Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang cân nhắc kế hoạch giảm binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tức là trước tháng 11.2020.
Ông Pompeo nhấn mạnh đây là chỉ thị của Tổng thống Trump đối với ông và có thể được coi là lộ trình cho kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi chiến trường Tây Nam Á này.
Tuy nhiên, kế hoạch này lại đặt ra những lo ngại về khoảng trống an ninh và đòi hỏi Mỹ cần phải có giải pháp chính trị hoà bình cho quốc gia Tây Nam Á này.
Lính Mỹ tại chiến trường Afghanistan
Sẽ kết thúc cuộc chiến "dai dẳng"
Còn nhớ cách đây 18 năm, tháng 10.2001, chỉ vài tuần sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9, Mỹ và các nước đồng minh tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Chỉ hai tháng sau, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã chính thức bị loại bỏ.
Sau khi bị Mỹ lật đổ, Taliban đã tìm được nơi trú ẩn an toàn là Waziristan thuộc Pakistan, giáp với biên giới Afghanistan. Tại đây, Taliban dựa vào nguồn tài chính của tổ chức khủng bố Al Qadea và bắt đầu thực hiện chiến dịch “Taliban hóa”, nhằm chiêu mộ và huấn luyện thanh niên của các bộ lạc địa phương thành các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết, phát động làn sóng tấn công nổi dậy tại Afghanistan.
Sự trỗi dậy của Taliban trong những năm sau đó đã trở thành vấn đề đau đầu không chỉ của chính quyền Afghanistan và Pakistan, mà còn là bài toán nan giải đối với chính quyền Mỹ bởi điều này cho thấy nước Mỹ đã sa lầy trong cuộc chiến tại đây.
Cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan kéo dài từ năm 2001 đến nay đã "ngốn" hết của Mỹ khoảng 1.000 tỷ USD. Việc duy trì hoạt động của lực lượng Mỹ tại quốc gia Nam Á này cũng tiêu tốn 45 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, chi phí khổng lồ này lại chưa thể tiêu diệt được Taliban. Ngược lại, Taliban hiện kiểm soát hơn 60% lãnh thổ, đang trở thành một lực lượng chính trị, quân sự có ảnh hưởng lớn ở Afghanistan.
Cuộc chiến kéo dài 18 năm qua cũng đã để lại những hậu quả nặng nề. Kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, lật đổ chế độ Taliban, đến nay xung đột chưa có dấu hiệu chấm dứt. Các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh Afghanistan và phiến quân Taliban liên tục diễn ra.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ tháng 1.2009 đến nay, hơn 26.000 dân thường nước này đã thiệt mạng và khoảng 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang. Trong 6 tháng đầu năm 2019, ít nhất 3.812 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bạo lực cứ tiếp diễn bất chấp tiến trình đối thoại giữa các phe phái đối địch tại nước này nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Do đó, kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ che giấu quyết tâm nhanh chóng sớm kết thúc cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết nếu đắc cử, ông sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến đã bước sang năm thứ 18 này.
Tuy nhiên, với mong muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan, vào tháng 8.2017, trong chiến lược mới công bố vào tháng 8.2017, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại quyết định tăng số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan từ 8.400 người lên đến 14.000 người. Ngoài ra còn có khoảng 4.000 binh sĩ của NATO làm nhiệm vụ hỗ trợ quân chính phủ Afghanistan.
Song song với đó, chính quyền Mỹ nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán với lực lượng Taliban nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc chiến dài nhất của quân đội Mỹ tại nước ngoài. Nhằm tạo ra một sự đảm bảo với Taliban trước các cuộc đàm phán, Mỹ cũng nhiều lần để ngỏ khả năng sẽ rút bớt binh sỹ Mỹ đang triển khai ở Afghanistan.
Trong một sự kiện của Câu lạc bộ Kinh tế ở thủ đô Washington ngày 29.7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền của Tổng thống D.Trump đang cân nhắc kế hoạch giảm binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Pompeo nhấn mạnh đây là chỉ thị của Tổng thống Trump đối với ông và có thể được coi là lộ trình cho kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi chiến trường Tây Nam Á này. Đây được xem là chiến lược rõ ràng của Tổng thống Trump ở Afghanistan, đó là “chấm dứt cuộc chiến tranh không có hồi kết này và giảm quân số”. Quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ là sẽ kết thúc cuộc chiến “dai dẳng” hơn 18 năm qua của Mỹ vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.400 binh sĩ Mỹ và tiêu tốn ngân sách khoảng 1.000 tỷ USD từ năm 2001.
Cần một giải pháp chính trị hoà bình
Các nhà phân tích cho rằng, kế hoạch giảm bớt số binh sỹ Mỹ đồn trú ở Afghanistan của chính quyền Trump được xem là một chiến lược nhằm giúp Mỹ thuyết phục Taliban trên bàn đàm phán. Hiện nay vai trò của Mỹ ở Afghanistan là rất quan trọng bởi Taliban tuyên bố chỉ tiến hành đàm phán với Mỹ và từ chối tiến hành đàm phán hoà bình và hoà giải trực tiếp với chính phủ Afghanistan chừng nào quân đội nước ngoài chưa rút hết ra khỏi Afghanistan.
Trong cuộc đàm phán gần đây nhất giữa Mỹ và Taliban vào ngày 9.7, dư luận đã đánh giá tiến trình đàm phán này đạt nhiều hiệu quả rõ rệt. Taliban tuyên bố chỉ cần Mỹ đưa ra một lộ trình cụ thể, linh hoạt và có thể chấp nhận, Taliban luôn sẵn sàng cho một thỏa thuận hòa bình. Trong khi Mỹ cũng cam kết sẽ rút dần quân ra khỏi Afghanistan song vẫn có một số điều kiện đi kèm dành cho lực lượng phiến quân Hồi giáo Taliban. Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad cho biết, một trong những điều kiện đó là Taliban phải ngăn chặn được các nhóm khủng bố như Al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng Afghanistan làm căn cứ hoạt động, đồng thời Taliban phải tham gia đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị tại nước này, bao gồm cả chính phủ Afghanistan…
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, ngay cả khi Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận như trên, thì đây mới chỉ là bước đi đầu tiên của tiến trình hòa bình Afghanistan và tiến trình này vẫn còn một chặng đường khá dài nữa để đi. Bởi thực tế đến nay Taliban vẫn chưa chịu đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan, và đây cũng không phải là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố sẽ rút quân.
Thêm vào đó, dù đàm phán “tích cực” với Mỹ, song Taliban vẫn không ngừng đánh bom, tấn công khủng bố vào lực lượng an ninh và các quan chức chính trị tại Afghanistan. Mới đây nhất, ngày 28.7, Taliban đã tấn công Văn phòng của ông Amrullah Saleh - một ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Phó Tổng thống Afghanistan nếu đương kim Tổng thống Ashraf Ghani tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống nước này, dự kiến diễn ra vào ngày 28.9 tới. Vụ tấn công trên đã khiến 20 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương, trong đó có ông Saleh...
Vì vậy, kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ đã khiến chính quyền Afghanistan và cộng đồng quốc tế lo ngại về khoảng trống an ninh mà Mỹ sẽ để lại. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng, giải pháp tốt nhất để Mỹ có thể yên tâm rút quân đó là Mỹ cần nỗ lực tìm giải pháp chính trị hoà bình cho Afghanistan. Mỹ và cộng ðồng quốc tế cần tiếp tục gây dựng những khuôn khổ diễn đàn đối thoại đa phương để lôi kéo cả chính phủ Afghanistan và Taliban cùng tham dự, đồng thời dùng viện trợ quốc tế nhằm tái thiết Afghanistan để khích lệ chính phủ Afghanistan và Taliban đàm phán trực tiếp để vãn hồi hoà bình, thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc.
Theo TTXVN