Tâm cứ ngỡ là người chỉ đường đã nghe nhầm, chỉ cho xong chuyện, hoặc là Tâm đã nghe nhầm, vì Tâm giống mẹ mê cái thứ hoa màu tím này nên nghe thành ra thế.
"Qua rặng nhãn, rẽ phải, tới cái cổng hoa màu tím ấy”.
Tâm cứ ngỡ là người chỉ đường đã nghe nhầm, chỉ cho xong chuyện, hoặc là Tâm đã nghe nhầm, vì Tâm giống mẹ mê cái thứ hoa màu tím này nên nghe thành ra thế. Nhưng không, người chỉ đường đã tận tình chỉ đúng nơi Tâm cần đến. Hoa giấy tím ngan ngát từ dưới đất tím lên, hoa bám theo tường leo lên vòm mái, một khoảng trời hoa tím rờ rỡ và bung tỏa. Sắc tím làm Tâm chợt nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ chậu hoa giấy tím mẹ đã tặng hồi sinh nhật lần thứ mười của Tâm. Nhớ cồn cào, nhớ nôn nao, ai bảo mẹ yêu hoa tím để đến nỗi Tâm cũng mê theo đến thế, mê từ bé, giờ lại được gặp màu tím ở nơi đây, bàn chân đã vơi bao mỏi mệt, lòng cứ bâng khuâng như gặp lại người thân.
“Cô tìm gặp ai?”. Tiếng nói chợt vang lên trong cánh cổng đầy hoa. Tâm nhìn thấy khuôn mặt hao gày lấm tấm mồ hôi, đôi mắt dài và đen đã có vài nếp nhăn nơi khóe mắt. “Dạ, cháu muốn vào gặp thầy hiệu trưởng!”. “Cô gặp hiệu trưởng có việc gì không? Tiếp thị sách bút à?”. Có lẽ tại cái ba lô đầy khự đồ dùng mà cô đang đeo đằng sau đã biến cô giáo mới ra trường thành nhân viên tiếp thị. Tâm cười tươi: “Cháu đến nhận công tác”.
Tiếng chìa khóa tra vào ổ lách cách. Cánh cổng trường từ từ mở. Một mùi hương thoang thoảng quấn lấy Tâm. Không rõ của loài hoa nào trong những bông hoa đang khoe sắc trước sân trường kia, mười giờ, cẩm tú, thủy tiên… hay của chính bụi hoa giấy này? Hương cứ quện vào nhau phảng phất trong không gian. Người đàn ông đội mũ cối chỉ cho Tâm dãy nhà hiệu bộ, rồi quay lại khóa cổng cẩn thận, cất chùm chìa khóa vào cái túi áo công nhân đã bạc màu, thu dọn dao, kéo, nhặt cành, lá hoa giấy vừa cắt tỉa đem phơi gần hố rác. “Cái cổng hoa này đẹp quá!”. “Cây hoa giấy này ươm trồng gần hai chục năm rồi đấy”. “Trường nào cũng được người bảo vệ như bác thì đều đẹp như công viên ạ!”. Người đàn ông được khen cười rất sảng khoái. “Một tôi thì không làm được trò trống gì, đây là thành quả của tất cả thầy và trò đấy!”.
Tâm chào người bảo vệ rồi rảo bước lên dãy nhà hiệu bộ. Phòng hiệu trưởng mở toang cửa, ngập ngừng, rồi cô cũng bước vào.“Dạ, em xin chào thầy, em là Tâm giáo viên dạy môn ngữ văn đến để nhận công tác!”. Thầy hiệu trưởng còn rất trẻ, rời mắt khỏi màn hình máy tính, nhìn thấy Tâm, lại cúi xuống nháy chuột lần nữa: “Cô quê ở đâu?”. “Em ở ...”. “Ôi, xa thế, về đây dạy vất vả lắm đấy!”. Tâm chỉ cười. Một học trò nữ bỗng chạy xồng xộc vào: “Thưa thầy, bạn Hoàn dẫm phải mảnh sành bị đứt chân!”.
Chưa đầy phút sau, cô học trò tên Hoàn đã được hai bạn trai cùng lớp dìu vào, máu chảy một dọc dài trên hành lang. Vừa nhìn thấy máu, Tâm đã choáng voáng, nhưng thầy hiệu trưởng đã mở tủ thuốc treo trên tường lấy bông băng, kéo đưa ngay cho Tâm, giục sơ cứu cho học trò, còn thầy thì lại quay vào tủ thuốc tìm lọ cồn sát trùng. Ở nhà, giữ con gà cho mẹ cắt tiết, Tâm còn chưa từng làm. Cô rất sợ máu, mẹ biết vậy nên chẳng ép. Nhưng lúc này cô không dám to gan từ chối công việc thử thách đầu tiên mà thầy hiệu trưởng đã giao. Máu vẫn chảy sươn sướt, khuôn mặt Hoàn đang tái đi, thầy hiệu trưởng tìm được một cái áo cũ buộc chặt cổ chân Hoàn lại, giục Tâm nhanh tay sơ cứu vết thương. Vừa làm tay chân Tâm vừa run bần bật. Sau khi cầm được máu, thấy vết rách quá dài, thầy hiệu trưởng bảo phải đưa sang trạm xá khâu lại cho an toàn. Thầy liền sai Tâm lai học trò đi nhưng chợt nhớ ra cô giáo vừa mới đến không biết trạm xá ở đâu, thì thầy đành phải lãnh nhiệm vụ này, nhưng trước khi đi, thầy nghiêm sắc mặt hỏi học trò: “Đang giờ gì, đã vào lớp rồi sao các em còn chạy ra ngoài?”.“Giờ thể dục, thầy giáo chưa đến ạ!”. “Vậy cô Tâm ra quản lớp này ngay đi!”.
Muôn đời, giờ học ngoài trời là giờ sung sướng nhất với học trò, lại càng sung sướng bội phần khi nhìn thấy khuôn mặt non tơ, ngơ ngác như một bông hoa nở trong vườn sớm của cô giáo trẻ, chứ không phải là khuôn mặt nghiêm khắc thân quen của thầy thể dục cũ, đám học trò nhao nhao chạy tới. Phải mất năm phút, Tâm mới lấy lại được trật tự. Lớp trưởng cho cả lớp ôn lại bài thể dục đã học, sau đó ôn lại bài chạy ngắn. Năm em nữ xin phép bị đau bụng ngồi nghỉ dưới gốc cây, hai em nam xin phép bị đau chân do chiều qua đá bóng cũng ngồi nghỉ dưới gốc cây. Hàng lối nhốn nháo, các động tác tập hời hợt, Tâm nhìn là biết, liền nhắc học trò tập luyện nghiêm túc, một cậu đứng cuối hàng đề nghị Tâm làm mẫu, thấy cô giáo mới bị bắt bí, đang đỏ mặt lúng túng, cả bọn cười ré lên, rồi vỗ tay như pháo nổ.
“Lớp này đang học hay họp chợ?”. Bác bảo vệ cắt tỉa hoa lúc nãy đã đứng ở đằng sau Tâm, tay chỉ vào đám học trò, vẻ mặt đanh lại, đầy uy lực. Những tiếng cười nói tắt hẳn, cả lớp đi vào quỹ đạo.
Giờ ra chơi, tất cả các giáo viên có lệnh triệu tập họp gấp. Khi bác bảo vệ bước vào ngồi bàn phía trước thì Tâm mới ớ người ra. Cô giáo Linh nói nhỏ, hiệu trưởng đấy. Tâm chớp chớp mắt mấy chặp, người đàn ông Tâm đã gọi là bác bảo vệ ngoài cổng lại chính là thầy hiệu trưởng, thế thì thầy hiệu trưởng đã ra lệnh cho Tâm băng bó cho học sinh, rồi sai cô ra quản lớp là ai? Tâm thấy bấn loạn.
Tiếng cô Linh nói khẽ vào tai Tâm: “Thầy Quân hiệu trưởng hôm nay làm sao mà trông mặt hình sự thế nhỉ?”. “Cô Linh mà biết chuyện gì xảy ra ở tiết hai thì mặt cô cũng sẽ hình sự giống tôi thôi”. Cô Linh giật mình, tủm tỉm cười: “Thế ra là chuyện gì ạ?”. “Thầy Thái bị ốm phải cấp cứu, giờ thể dục không có ai trông nên học sinh dẫm phải mảnh sành phải đưa đi khâu các thầy cô đã biết chưa?”.
Có người thưa biết, có người thì nói không. Các cô truy hỏi ai trực ban hôm nay, mới biết là thầy Đông, vừa lúc thầy ấy đi vào, Tâm lại ớ người ra lần nữa, là người mà Tâm đã nhận là thầy hiệu trưởng. “Tình hình học sinh thế nào rồi thầy Đông?”. “Đã khâu tới chín mũi, em đưa đi tiêm uốn ván rồi!”. “Các thầy cô phải cẩn thận giờ giấc, không chỉ dạy mà còn phải quản các em cho tốt, đừng để trường hợp nào đáng tiếc xảy ra!”.
Trống vào, mọi người nhanh chóng xách cặp lên lớp. Thầy hiệu trưởng hẹn Tâm lên phòng để gặp, còn hướng dẫn phòng thầy mới hoán đổi cho phòng Đoàn Đội mà chưa kịp thay cái biển treo trước cửa, Tâm thấy tim đang đập thình thịch, mắt vẫn chăm chắm nhìn thầy hiệu trưởng, còn thầy khẽ nhíu mày đăm chiêu.
*
* *
Đông được phân công giúp đỡ Tâm trong thời gian tập sự với tư cách Bí thư đoàn hướng dẫn cho đoàn viên mới. Tâm không cãi nhưng trong lòng vẫn ấm ức vì lần gặp mặt ban đầu. Buổi lao động đầu tiên hai người phải chỉ đạo lớp 8A dọn sạch cỏ và tìm hết mảnh chai mảnh sành khu sân tập thể dục, trong lúc cùng trò lao động đã xảy ra một chuyện hy hữu. Thầy trò đang mải mê cắt cỏ, chợt từ trong đám cỏ rậm rạp ấy nhảy lên một con rắn, nó nhảy bổ vào tay Tâm mà mổ. Tâm hét lên, rời liềm, vùng chạy, xô vào thầy Đông đang đứng ngay phía sau ôm cỏ, hai người cùng ngã nhào vào đống cỏ, nhưng may chỉ là con rắn nhựa mua ở hội chùa. Chuyện chưa thể hết, bọn học trò phao tin thầy cô yêu nhau. Câu chuyện thầy Đông yêu cô Tâm lan đi khắp trường, lan cả tới tai cánh thầy cô giáo già. Lúc đi ngang qua chỗ hai người đang ngồi soạn giáo án điện tử, thầy Thái nháy mắt trái một cái với thầy Đông, thì thầm: “Đổ chưa?”. “Anh chỉ được cái hay đùa”. “Lấy cái bài này áp dụng cho thầy Quân đi! Giao cho thầy hiệu trưởng với cô Linh phụ trách một lớp lao động, cho con rắn nhựa lên cắn tay cô Linh ấy!”. Tâm nghe thấy hết nhưng vờ như không, dù lúc đi ra thầy Thái lại nháy mắt phải với cô, cô vẫn cúi xuống máy tính.
Cho tới tối hôm sau, thầy Đông sang gian nhà tập thể mà Tâm đang ở cùng cô Linh chơi. Lúc ấy, cô Linh về quê chưa lên, nên Tâm tò mò gợi hỏi chuyện tại sao thầy Thái lại có ý muốn gán ghép thầy Quân cho cô Linh, thì thầy Đông mới kể chuyện về thầy hiệu trưởng.
Trước kia, thầy từng có một gia đình nhỏ, vợ buôn bán và có một cô con gái gọi là Sữa rất dễ thương hay theo chân các anh chị học trò đá bóng, hái hoa. Đông đã từng đá bóng cùng Sữa và làm cho bé bị ngã đập đầu xuống sân chảy bao nhiêu máu.
Nhưng cuộc sống gian khó đã làm tuột mất hạnh phúc của thầy, người vợ đã dẫn cô con gái năm tuổi bỏ đi sau nhiều lần giục thầy bỏ nghề chuyển sang buôn bán đường dài với chị ấy nhưng thầy không chịu. Vợ thầy bỏ đi đúng vào thời gian thầy lên tỉnh học một lớp tập huấn nghiệp vụ, thầy về thì không tìm thấy vợ con đâu cả. Thầy rất buồn, cố công tìm kiếm nhưng không thấy. Người ta đồn rằng chị ấy đã lên tàu vào tận miền Nam. Thầy lại không thể nghỉ dạy lâu được, trường đang thiếu giáo viên và lớp chủ nhiệm lại là lớp cá biệt, không thể vắng thầy lâu. Thầy đã dạy học và chờ đợi một ngày người vợ sẽ mang cô con gái về, nhưng càng chờ càng vô vọng.
Vừa kể chuyện, thầy Đông vừa giúp Tâm soạn xong bài giảng điện tử cho tiết hội giảng sắp tới, rồi thầy tạm biệt ra về. Thầy Đông đã không nhận thấy sau câu chuyện thầy kể, vẻ mặt Tâm càng đượm buồn. Còn lại một mình, Tâm ngồi thẫn thờ bên trang giáo án, hình ảnh người thầy lúi húi cắt tỉa cành hoa giấy cứ hiện lên trước mắt. Không ngờ thời gian dằng dẵng có thể làm thay đổi vẻ ngoài chứ không thể làm thay đổi tính cách, tấm lòng con người.
Hơn lúc nào hết, Tâm muốn gặp mẹ. Trước khi Tâm dứt khoát khoác ba lô đi đến cái xã heo hút này nhận công tác, mẹ đã tuyên bố với Tâm, cứ đi đi cho sáng mắt ra.
Chợt chuông điện thoại reo lên: “Con gái mẹ có khỏe không?”
“Con khỏe...”.“Bao giờ thì con về, mẹ đã xin cho con được một chỗ ở thành phố...”. “Con sẽ ở lại nơi này mẹ ạ. Và con muốn đón mẹ lên thăm trường con, trong trường có khoảng trời hoa tím...”.
Tâm còn muốn nói, người thầy trồng giàn hoa giấy đó vẫn đang ở một mình ngót hai chục năm nay khi người vợ không chịu được cuộc sống nghèo đói đã dắt đứa con gái tên Sữa bỏ đi. Nhưng Tâm không thể cất lời được, khi nước mắt cứ ầng ậc trào ra, hình ảnh bé Sữa chạy lon ton đá bóng với mấy anh chị học trò chẳng may vấp vào hòn gạch ngã đập đầu xuống sân, bố đang trồng cây trước sân vội vã chạy lại ôm lấy Sữa đưa đi trạm xá cách đó mấy cây để khâu vết thương cho Sữa. Tâm nức nở khóc một mình, phía trên trán trái bỗng giật binh binh, Tâm đưa tay sờ lên đó, nơi có vết sẹo do bị ngã ngày nào. Chẳng biết bố Tâm có nhận ra bé Sữa ngày nào không nếu bố nhìn thấy vết sẹo sau làn tóc mái này? Và cả Đông nữa... Những chậu hoa tím mẹ bày trong sân, Tâm biết, mẹ vẫn không thể quên được bố...
Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG