Bốn ngày sau khi bão Beryl hoành hành gây lũ lụt trên diện rộng, khoảng 1 triệu hộ gia đình ở bang Texas của Mỹ vẫn phải sống trong cảnh mất điện giữa thời tiết nóng bức.
Vào sáng 11/7, hơn một nửa số khách hàng của CenterPoint Energy, nhà cung cấp điện lớn nhất bang, đã có điện trở lại. Tuy nhiên, nỗ lực khôi phục mạng lưới điện đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là ở Freeport, trung tâm năng lượng lớn nhất bang Texas. Mưa lớn tiếp tục càng khiến công tác phục hồi mạng lưới điện thêm chậm trễ.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty dầu khí đã nối lại hoạt động sau khi bão tan. Freeport LNG, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ 3 của Mỹ, đã bắt đầu xử lý lượng khí nhỏ trong ngày 11/7.
Cùng ngày, lãnh đạo các quốc đảo vùng Caribe đã lên tiếng kêu gọi hỗ trợ tài chính sau khi bão Beryl gây thiệt hại nặng nề, vượt quá khả năng chi trả của họ. Đồng thời, họ kêu gọi nới lỏng các điều kiện vay vốn để đối phó với những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại một hội thảo, Thủ tướng Grenada, ông Dickon Mitchell, và Thủ tướng Saint Vincent & Grenadines, ông Ralph Gonsalves đều cho biết thiệt hại do bão Beryl gây ra lên tới hàng trăm triệu USD. Họ cảnh báo rằng người dân của hai nước này không thể gánh chịu thêm một thảm họa nào nữa.
Mùa bão Đại Tây Dương kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11. Tuy nhiên, Beryl, cơn bão đầu tiên trong mùa này, đã nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão cấp 5 - cấp mạnh nhất trong thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp.
Siêu bão này đã hoành hành tại Quần đảo Cayman, quét qua Jamaica, Grenada, Saint Vincent & Grenadines, khiến 11 người thiệt mạng, làm sập nhiều nhà cửa, công trình và gây nhiều thiệt hại khác về tài sản. Riêng tại Grenada và Saint Vincent & Grenadines, ước tính có khoảng 10.000 người mất nhà cửa do bão Beryl gây ra, khiến họ trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương.
Sau khi giảm cấp, bão Beryl tiếp tục tấn công miền Nam nước Mỹ khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, gần 3 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh rơi vào cảnh mất điện; hơn 1.100 chuyến bay bị hủy.