<b>Vốn sinh ra trong một gia đình gia giáo nền nếp, Thành luôn ao ước sau này lấy được người vợ đảm đang chịu thương chịu khó để làm hậu phương vững chắc cho mình. </b><br>
Anh đã đạt được mơ ước khi lấy được cô vợ chịu thương chịu khó và chăm lo chu toàn. Nhưng thật oái oăm khi giờ đây anh đang thấm thía nỗi khổ vì cái sự đảm quá đà của vợ.
Mến, vợ Thành cực kỳ đảm đang, bởi ngay từ lúc nhỏ đã mồ côi mẹ nên sớm cùng cha gánh gồng việc nhà với cả đàn em. Ngày Mến mới về làm dâu, anh rất sung sướng, hãnh diện khi nghe họ hàng, bà con xóm giềng và cả bạn bè liên tục ngợi khen: "Vợ mày giỏi quá". Nhà cửa ngăn nắp, sạch bóng, cơm canh chu đáo. Khi hai vợ chồng sinh con, anh không phải vất vả nhiều vì Mến là người nhanh nhẹn, sạch sẽ và luôn dành thời gian để chăm sóc con cái. Thậm chí khi con đã được 1- 2 tuổi, nhiều lúc anh cũng muốn giành việc với vợ để gần gũi chăm con, nhưng chị cứ gạt phắt đi và nhấn mạnh “Đây là việc của đàn bà con gái, đàn ông đàn ang ai lại phải mó tay vào!”. Thành ra, anh cũng quen dần rồi đâm ra ngại, cộng với sự quá chủ động của vợ lại càng biến anh trở nên thụ động. Cho đến khi các con đã lớn và đi học, thì cái tính đảm đang quán xuyến quá đà của chị lại càng được dịp “phát huy”.
Chuyện đầu tiên là việc quản lý tài chính, Mến bảo mọi việc đều do chị lo nên chị là người quản lý tiền bạc chi tiêu trong gia đình. Vì thế, từ đám giỗ, cưới xin, ma chay, đối nội đối ngoại, học hành con cái, việc gì cũng một tay Mến quán xuyến.
Với con cái, lúc nào chị cũng quán triệt về vai trò của mình trong gia đình. Từ việc họp phụ huynh, đóng tiền học, đưa đón con… chị đều giành hết. Quần áo, sách vở cho các con một tay chị sắp xếp nên chúng nảy sinh tính ỷ lại và nhút nhát hơn hẳn so với bạn cùng tuổi.
Chủ động giành hết việc về mình nên chị không còn thời gian để chăm sóc bản thân và cuộc sống vợ chồng. Có nhiều tối, Thành ước ao được cùng vợ nằm thư giãn nghe một bản nhạc tiếng Anh hay nhạc tiền chiến mà thời sinh viên cả hai cùng yêu thích, với mong muốn sau một ngày làm việc căng thẳng lại được trở về những kỷ niệm thời yêu nhau. Có nhiều lần anh muốn vợ gác lại những công việc chưa cần thiết để 2 vợ chồng đi dạo phố, uống cốc nước mát hoặc đơn giản là ra hiệu sách mua cho các con và mua cho mình vài cuốn sách văn học yêu thích vừa xuất bản. Nhưng chả thấy lúc nào chị rảnh. Làm xong phần mình, chị lại ôm nốt việc người khác. Có hôm lau nhà, chùi bếp đến 10 giờ đêm, chị vội tắm gội qua loa, rồi cuống quýt sắp xếp đồ dùng, sách vở, quần áo cho các con... Khi vào đến giường là ngủ, đến tờ báo còn không đọc nổi.
Mỗi lần có việc cần ra ngoài như đi cưới xin, tiệc tùng, gặp mặt đồng nghiệp cơ quan, bạn bè, Thành luôn cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ khi Mến không còn thời gian chăm sóc dung nhan, cứ để tóc tai lùm xùm, mặt mũi nhợt nhạt, quần áo nhàu nhĩ. Khi có người nhắc, chị lại bảo: "Mình đảm đang thì chồng thương, chứ là lượt phấn son chỉ dành cho mấy đứa lả lơi thôi, báu gì". Nhiều cô bạn nghe vậy thì thở dài, lắc đầu ái ngại trước tính bảo thủ của Mến. Từ một cô Mến mảnh mai thướt tha thời sinh viên bao nhiêu chàng trai mê đắm theo đuổi, nay đã thành một người phụ nữ trung niên thô kệch, xuềnh xoàng. Người phụ nữ ấy đã quên rằng, ai cũng thích nhìn cái đẹp, đàn ông lại càng thích. Tại sao mình lại tự làm mình tàn phai đi như vậy?
Mỗi lần Thành góp ý với vợ, Mến đều tỏ ra giận dỗi và trách móc chồng: "Em phải làm thế nào cho anh và các con vừa lòng? Đàn ông các anh tham lam, cái gì cũng muốn, vừa muốn vợ đảm đang hầu hạ đến răng lại còn muốn phải xinh đẹp nhẹ nhàng. Thử hỏi, tôi cứ suốt ngày ngắm vuốt thì bố con anh có chết đói không?”. Thành tự ái nhưng vẫn cố nhẫn nhịn, chỉ bỏ ra ngoài phòng khách ngồi hoặc ra phố đi bộ mấy vòng. Hai thằng con trai vốn quá hiểu tính mẹ nên cũng lảng ra ngoài để tránh mặt. Dần dần, giữa Mến và chồng con hình thành khoảng cách vô hình vì chẳng ai muốn trò chuyện cởi mở với Mến khi mà lúc nào chị cũng cho rằng mình đúng, ý kiến của mình là ý kiến chung của cả gia đình, việc chị làm đều xuất phát từ sự chăm lo cho gia đình. Chị quên đi mất một điều là chồng và các con cũng có những ý kiến riêng cần được tôn trọng. Họ cũng cần thể hiện vai trò trong gia đình, thứ vai trò mà chị đang làm thui chột và vô tình phủ nhận khiến cho mối ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình có nguy cơ rạn nứt.
Thiếu người sẻ chia, lâu ngày, Thành sinh ra thói quen hay đi uống cà phê với bạn đồng nghiệp. Trong đó, có những đồng nghiệp nữ trẻ trung và đồng điệu về quan điểm sống, sở thích, thú vui văn chương, điện ảnh. Còn thằng con trai lớn suốt ngày lấy cớ đi học, tới bữa cơm mới mò về nhà vì có về nhà cũng chẳng có việc gì để làm. Còn thằng bé thì cứ như gà công nghiệp, việc gì cũng thụ động chờ đợi, đến những việc đơn giản như cầm cây chổi quét nhà, lấy bát ăn cơm hay chuẩn bị bộ đồng phục cũng phải nhờ mẹ.
Nếu trước kia Thành mơ ước về một cô vợ đảm đang thì bây giờ, anh lại chỉ ước một điều giản dị: “Giá như vợ anh có việc phải đi đâu vài ngày, thậm chí Mến dành thời gian để ăn mặc đẹp và đi chơi đâu đó, miễn là để cho bố con anh một khoảng tự do làm những việc mình thích”. Mong ước thì có vẻ hài hước nhưng lại khiến mọi người cùng phải suy nghĩ.
BÙI THU HẰNG