Khó về đích nông thôn mới khi mức hỗ trợ giảm

08/11/2017 09:30

Những xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới (NTM) trong năm 2018 sẽ gặp không ít khó khăn trong thực hiện các tiêu chí cơ sở hạ tầng khi tỉnh giảm mức hỗ trợ.


Cơ sở hạ tầng Trường Mầm non Hồng Phong không bảo đảm việc dạy và học

Thêm khó khăn

Năm 2018, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi xã hoàn thành xây dựng NTM 5 tỷ đồng, giảm 2 tỷ đồng/xã so với năm 2017 và giảm 3 tỷ đồng/xã so với năm 2015. Không chỉ giảm hỗ trợ trực tiếp, từ năm2016 đến nay, UBND tỉnh cũng tạm dừng hỗ trợ xi măng làm đường giao thông thôn xóm, đường ra đồng. Nhiều xã muốn mở rộng các tuyến đường đạt chuẩn NTM nhưng chưa thể hoàn thành tiêu chí giao thông. Những xã chưa hoàn thành NTM đều là xã khó khăn, nội lực hạn chế, sự ủng hộ từ bên ngoài không có. Trong khi đó, các công trình còn thiếu như trường học, nhà văn hóa trung tâm xã, sân vận động… cần nguồn kinh phí xây dựng rất lớn. “Những xã mạnh, có tiềm lực kinh tế đã đăng ký hoàn thành NTM từ những năm trước. Những xã còn lại đều là những xã yếu về kinh tế, kinh phí hỗ trợ lại bị cắt giảm thì chắc chắn xây dựng NTM sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Trần Khắc Đoan, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh khẳng định.

Trong 2 tiêu chí xây dựng NTM còn thiếu thì xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) đang gặp khó nhất là tiêu chí trường học. Hiện nay, các cháu bậc mầm non và tiểu học vẫn học nhờ tại nhà văn hóa các thôn, UBND xã. "Từ năm2009 đến nay, xã chưa đấu giá được lô đất nào. Do không có kinh phí nên địa phương chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, tỉnh lại giảm mức hỗ trợ thì chúng tôi càng gặp khó khăn hơn", ông Vũ Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc nói.

Nhận định về khả năng hoàn thành NTM, ông Nguyễn Quốc Thị, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong (Ninh Giang) cho biết: “Để hoàn thành các tiêu chí còn thiếu, địa phương cần khoảng 28 tỷ đồng. Sau khi thống kê mọi nguồn, kể cả 5 tỷ đồng hỗ trợ của UBND tỉnh thì xã vẫn còn thiếu 5tỷ đồng. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, để xã được công nhận chuẩn NTM thì không được nợ xây dựng cơ bản. Vì thế, nhiều khả năng xã vẫn hoàn thành các chỉ tiêu NTM nhưng phải  nợ xây dựng cơ bản".

Cần huy động tốt nguồn lực

Khó khăn nhất của các địa phương hiện nay vẫn là kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Để giải quyết vấn đề này, cũng theo ông Đoan, trước tiên cán bộ các xã phải năng động, mạnh dạn, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các tiêu chí còn thiếu. Cần có giải pháp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Có điều kiện kinh tế, người dân sẽ chủ động đóng góp xây dựng NTM. Khi quy hoạch đất để đấu giá chuyển quyền sử dụng cũng cần nắm rõ nhu cầu của người dân và quy hoạch ở các vị trí thích hợp. Các địa phương cần có giải pháp xử lý đất dôi dư xen kẹp, coi đây là nguồn kinh phí quan trọng để đầu tư. Khi xây dựng các công trình cần tính toán phù hợp với khả năng và mục đích sử dụng, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, cần huy động sự chung tay, giúp sức của các cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và con em quê hương đang làm ăn xa. “Nhiều địa phương làm rất tốt việc huy động con em xa quê đóng góp xây dựng NTM. Có nơi huy động được vài tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Các địa phương cần tranh thủ các chương trình lồng ghép để xây dựng các công trình còn thiếu”, ông Đoan gợi ý thêm.

Ngoài việc tập trung khai thác mọi nguồn lực, nhiều địa phương cũng đề nghị tỉnh cho hưởng cơ chế đặc thù trong đấu giá quyền sử dụng đất. Ông Vũ Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc bày tỏ: "Hiện nay 60% đất nông nghiệp của địa phương dành cho việc xây dựng khu công nghiệp Phúc Điền. Nguồn thu thuế của các công ty này thì do tỉnh quản lý. Hiện nay, chúng tôi đã quy hoạch được 10.000 m2 đất ở thôn Vũ Xá để đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Nếu đấu giá thành công, sẽ thu được trên 24 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn tỉnh để cho xã toàn bộ số tiền này. Có như vậy thì địa phương mới có kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng".

Các địa phương đăng ký hoàn thành NTM trong năm 2018 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tiêu chí còn thiếu. Để tránh tình trạng đăng ký rồi nhưng không về đích NTM do thiếu kinh phí xây dựng, UBND tỉnh cần thẩm định kỹ các xã đăng ký. Các địa phương phải chứng minh được nguồn vốn đối ứng, có kế hoạch cụ thể về thời gian thực hiện từng tiêu chí thì mới đưa vào danh sách phê duyệt. Các xã cũng cần đánh giá cụ thể, chính xác tiềm lực của mình, nếu có khả năng thật sự thì mới đăng ký, không nên chạy theo phong trào để hoàn thành NTM bằng mọi giá.


THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó về đích nông thôn mới khi mức hỗ trợ giảm