Khó tuyển học viên lái ô tô

26/02/2023 10:00

Các quy định mới với độ khó tăng lên bước đầu tạo áp lực cho cả người học và người dạy khiến nhiều người ngại đi học lái xe vào thời điểm này.

Học viên tập lái xe tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Việt Đức  (Nam Sách)


Số lượng học viên đăng ký các khóa học lái xe giảm là tình trạng chung của nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh hiện nay. Vậy đâu là nguyên nhân?

E ngại những quy định mới

Trước đây, Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Lập Phương Thành (TP Hải Dương) tiếp nhận từ 2.000- 2.500 lượt học viên/tháng. Nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, số lượng học viên đăng ký các khóa đào tạo lái xe ô tô có xu hướng giảm, chỉ còn từ 1.500-1.800 lượt học viên/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Giám đốc trung tâm này cho biết từ năm 2022, một số thay đổi trong quy định học và thi lái xe ô tô đã tạo áp lực cho người học và người dạy, như lắp đặt thiết bị "DAT" nhằm quản lý và giám sát các thông tin định danh cũng như quá trình học thực hành lái xe của học viên (thực hiện từ ngày 15.6.2022); học và thi mô phỏng 120 tình huống giao thông (học từ ngày 1.1.2022 và thi từ ngày 15.6.2022) và học thực hành trên cabin điện tử (thực hiện từ ngày 1.1.2023). Tỷ lệ thi đạt trong các kỳ thi sát hạch cũng giảm so với trước. Việc thực hiện các quy định mới này cũng ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh, lưu lượng học viên tại trung tâm giảm rõ rệt.

Tình trạng khó tuyển sinh học viên lái xe ô tô cũng xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Việt Đức (Nam Sách). Trước đây, vào dịp đầu năm, lượng học viên tới học tại trung tâm khá đông. Trái lại, năm nay trung tâm không có học viên. Theo đại diện trung tâm, trong tháng 1, tháng 2, đơn vị không khai giảng khóa học mới vì không tuyển được học viên. Nếu như trước đây, có người chưa thực sự có nhu cầu học lái xe ô tô nhưng vẫn sẵn sàng đăng ký học và thi cùng hội, nhóm bạn. Nay chỉ người nào có nhu cầu thực sự mới đăng ký học. 

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu về đào tạo và sát hạch lái xe theo quy định mới, các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe phải đầu tư thêm các trang thiết bị như máy tính, thiết bị giám sát giờ học của học viên, cabin điện tử. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, các trung tâm cũng phải bỏ kinh phí thuê nhân sự vận hành phòng quản lý giám sát… Do đó, các trung tâm đều tăng mức học phí học lái xe. Theo khảo sát của phóng viên, mức học phí đã tăng từ 2-3 triệu đồng ở tất cả các hạng, 1 khóa học bằng lái B1 (lái ô tô dưới 9 chỗ, số tự động) khoảng 10-13 triệu đồng, bằng B2 (lái ô tô dưới 9 chỗ số sàn) từ 12-15 triệu đồng. Trong khi trước kia chi phí học lái xe ô tô chỉ từ 8-10 triệu đồng. Đây cũng là một nguyên nhân nhiều người cân nhắc trước khi đăng ký học lái xe.

Học viên học 120 câu hỏi mô phỏng tình huống giao thông trên máy tại Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Lập Phương Thành (TP Hải Dương)

Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch


Các quy định mới với độ khó tăng lên bước đầu tạo áp lực cho cả người học và người dạy khiến nhiều người e ngại đi học lái xe. Tuy nhiên, mục tiêu chung là hướng đến sự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Đây là điều cần thiết để mỗi người trang bị những kỹ năng, kiến thức lái xe an toàn khi tham gia giao thông.
Trước khi học lái xe bằng B1, chị Trần Thị Tú Anh ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) đã tìm hiểu kỹ các quy định mới về đào tạo lái xe như việc phải học và làm bài thi mô phỏng, hoàn thiện đủ 810 km học lái xe trên đường mới được thi sát hạch. Việc học mất thời gian hơn nên chị Tú Anh phải sắp xếp, bố trí công việc hợp lý để có thời gian đi học đầy đủ các buổi. Theo chị, việc có nhiều thời gian thực hành lái xe trên đường giúp chị tự tin hơn khi cầm lái. Mức học phí tăng nhưng theo chị vẫn trong ngưỡng chấp nhận được.

Còn anh Nguyễn Công Long ở xã Lai Vu (Kim Thành) nhận xét: "120 câu hỏi trong phần mô phỏng tình huống giao thông sát thực tế, giúp người học dễ hình dung hơn và áp dụng trong việc tham gia giao thông hằng ngày giúp giảm tai nạn giao thông".

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên dạy lái xe, các quy định mới là điều cần thiết vì người học chưa có giấy phép lái xe cần có thời gian làm quen với tình huống giao thông trước, từ đó giúp phán đoán các tình huống nguy hiểm trên đường có thể xảy ra để đưa ra phương án xử lý. Việc có thêm phần học và thi giúp giáo viên có thêm thời gian giảng dạy, hướng dẫn người học. "Học viên muốn đạt được kết quả tốt cần dành thời gian học tập, ôn luyện, rèn luyện và thực hành từ thực tế để khi ra đường có thể vững vàng lái xe trên các cung đường", ông Vũ Đăng Dung, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Việt Đức cho biết.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Khó tuyển học viên lái ô tô