Hoạt động của Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam như con "sóng ngầm" càn quét một số làng quê ở Hải Dương, làm bao người khổ sở.
Những nỗi lo mất “tiền tỷ”
Xã An Bình (Nam Sách) có người tham gia sớm nhất và là một trong những địa phương có nhiều người đầu tư vốn vào Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Công ty Nhật Nam). Ở đây, người đầu tư nhiều nhất gần 20 tỷ đồng, còn lại đa số từ 3-7 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu là của người dân đi vay hoặc huy động vốn từ người thân. Nỗi lo hiện nay của họ là liệu có đòi được tiền từ Công ty Nhật Nam hay không. Nếu không đòi được, họ sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ?
Thất thần nhiều ngày nay, chị N.T.N ở xã An Bình không muốn nói chuyện với ai. Anh T.V.Q - chồng chị cho biết, số tiền vợ anh đầu tư vào Công ty Nhật Nam lên tới 10 tỷ đồng. “Ngoài 10 tỷ, vợ tôi còn đứng ra gom góp của anh em, họ hàng gần 10 tỷ nữa. Tất cả đều đổ vào Nhật Nam. Giờ không biết lấy đâu ra để trả mọi người”, anh Q. nói. Vợ chồng anh đã phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay lãi ngân hàng, lấy chỗ nọ đập chỗ kia. Chỉ tính riêng số tiền lãi ngân hàng, mỗi tháng gia đình phải trả gần 80 triệu đồng.
Bà T.L.T cùng ở xã An Bình, đầu tư vào Công ty Nhật Nam hơn 6 tỷ đồng là tiền bà đi vay của người thân. Bán 2 mảnh đất của nhà, cộng thêm vay lãi ngân hàng nên bà T. đã trả được 2/3 số nợ. Ngay kế bên nhà bà T., bà N.T.M giấu chồng con đầu tư vào Nhật Nam hơn 3 tỷ đồng. “Đây là số tiền mồ hôi nước mắt, cả đời dành dụm của tôi. Giờ ở dốc bên kia cuộc đời, tôi coi như mất trắng”, bà M. nói trong nước mắt.
Không riêng xã An Bình, nhiều địa phương khác cũng bị "càn quét" bởi làn sóng bất động sản Nhật Nam. Sau những lùm xùm của Công ty Nhật Nam, người dân phải bán đất, thế chấp tài sản, vay lãi ngân hàng... Nhiều gia đình xáo trộn, căng thẳng, mâu thuẫn.
Theo một người từng giữ vị trí nhân viên kinh doanh trong hệ thống của Nhật Nam, riêng ở Hải Dương có tới hàng nghìn người tham gia góp vốn vào công ty này. Nhiều nhất ở huyện Nam Sách, sau đó đến TP Hải Dương, các huyện Ninh Giang, Thanh Hà, Gia Lộc, Kim Thành…
Do lòng tham hay thiếu hiểu biết?
Anh N.T.T ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) từng cho rằng tham gia đầu tư vào Công ty Nhật Nam là một “canh bạc” nhưng anh vẫn “nhắm mắt” rót vào công ty này 5 tỷ đồng. “Không làm gì, một ngày mở mắt ra cũng nhận được một khoản tiền lớn trong tài khoản”, anh T. nói. Đây cũng là lý do khiến nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy Nhật Nam bất chấp rủi ro.
Công ty Nhật Nam hoạt động tại Hải Dương từ tháng 7/2021, có trụ sở văn phòng tại khu đô thị Ecorivers, TP Hải Dương và các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng.
Doanh nghiệp này tung các chiêu trò kêu gọi nhà đầu tư góp vốn với mức lãi suất phi lý lên tới 34%/năm. Cụ thể, công ty tung ra các gói gọi vốn từ 20 triệu đến 5 tỷ đồng, thời hạn hợp đồng 24 tháng. Mỗi tháng, nhà đầu tư sẽ nhận 4,17% tiền vốn và 2,83% tiền lãi. Số tiền này được chia đều cho các ngày trong tuần (không kể thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, Tết) và nhà đầu tư sẽ nhận hằng ngày qua tài khoản. Chưa kể, nếu tham gia đội ngũ bán hàng của công ty (tìm kiếm, giới thiệu thêm người đầu tư vào công ty), nhà đầu tư còn được hưởng % theo giá trị hợp đồng…
Công ty này tung ra nhiều chiêu trò để chiếm lòng tin của nhà đầu tư như quảng cáo về việc những người nổi tiếng, người có chức vụ, từng công tác trong ngành công an, quân đội tham gia đầu tư hoặc là thành viên Ban Cố vấn công ty, phô trương về một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đưa các nhà đầu tư đi xem đất ngoài thực địa...
Thời gian đầu tham gia, các nhà đầu tư được trả tiền lãi và gốc đều đặn. Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2023, Công ty Nhật Nam dừng thanh toán tiền gốc và lãi với nhiều lý do. Doanh nghiệp này yêu cầu tất cả khách hàng đã ký hợp đồng nộp lại toàn bộ hợp đồng gốc để cấp lại hợp đồng mới mang tên Công ty CP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam.
Quá bức xúc vì thời gian dài Công ty Nhật Nam không trả tiền lãi và gốc cũng như sự vòng vo, trốn tránh từ phía người đại diện, các nhà đầu tư đã khởi kiện.
Ngày 8/9, Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam.
Công an xác định, bà Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Với thủ đoạn trên, bà Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Báo Hải Dương, báo Hải Dương điện tử đã sớm đăng video “Rủi ro khi góp vốn vào Công ty Nhật Nam” cảnh báo nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những chiêu trò huy động vốn của doanh nghiệp này; ý kiến nêu những dấu hiệu bất thường, tình hình hoạt động của doanh nghiệp…
PV