Khó kiểm soát rau bẩn

07/11/2011 07:00

Tỉnh ta có vùng trồng rau rộng lớn nhưng để mua được rau sạch, rau an toàn để sử dụng không hề dễ bởi nguồn gốc của chúng rất khó kiểm soát...



Nhà nước đã có quy định xử phạt nông dân sử dụng sai, không đúng
 kỹ thuật thuốc bảo vệ thực vật, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được


Chiều chạng vạng, trên cánh đồng rau muống sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh có rất nhiều nông dân đang hái rau. Xuống các thửa ruộng, tôi thấy mùi hôi thối của nước cống rãnh từ các nhà dân xung quanh xả ra khó chịu. Thấy tôi nhăn mặt, chị Nguyễn Thị Hạ ở khu 5, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Rau muống nhờ có nước này nên mới xanh, tốt được. Rau muống mà tưới bằng nước lã lấy đâu rau ngon cho các cô mua. Nước này có làm rau thối đâu mà sợ!”. Càng đi vào gần những cống xả nước thải gần khu dân cư những luống rau càng xanh tốt. Hằng ngày, rau muống ở đây được những người dân đem đi đổ buôn tại chợ Sượt, Thanh Bình, Tân Kim. Cánh đồng rau muống này có diện tích hàng chục ha được chia cho gần 100 hộ dân. Để lội xuống ruộng hái rau không bị ngứa, người dân phải dùng ủng và đeo găng tay.

Cách trung tâm TP Hải Dương khoảng 3 km, dọc khu công nghiệp Đại An, trong mương nước rộng chừng 2m những bè rau muống đỏ vươn ngọn dài, xanh tốt dưới làn nước thải đen kịt, bốc mùi hôi, thối. Khu vực này trước đây là mương thoát nước, gần đây một số người dân đem rau muống ra thả với mục đích làm thức ăn cho lợn. Vào thời điểm rau khan hiếm, giá rau tăng cao, nhiều người dân đã hái rau ở đây đi bán. Chị Trần Thị Thái ở thôn Tứ Thông (phường Tứ Minh) đang thu hoạch rau muống cho biết: “Năm ngoái thấy mấy bè rau muống ở đây xanh tốt nên tôi thả thêm mấy bè để hái bán. Rau ở đây xanh tốt quanh năm nên mỗi tháng tôi cũng thu hoạch được khá nhiều. Bình quân mỗi sáng tôi hái được khoảng 20-30 mớ. Với giá bán rau muống hiện tại 2.000-3.000 đồng/mớ, mỗi ngày tôi cũng kiếm được khoảng 60 nghìn đồng”.

Không chỉ có các loại rau muống được trồng tại các khu vực nước thải ô nhiễm, dễ gây ngộ độc và mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, mà hiện nay, nhiều loại rau vụ đông sớm được người dân thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kích thích. Đến một cửa hàng chuyên bán thuốc BVTV tại cổng chợ Đọ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) lân la hỏi mua thuốc kích thích dành cho dưa chuột, người bán hàng nhanh nhảu tư vấn cho tôi các loại thuốc kích thích được nhiều người dân sử dụng. Trên vỏ một loại thuốc kích thích, tôi thấy chỉ toàn tiếng Trung Quốc, không có tiếng Việt. Chị chủ cửa hàng giới thiệu, đây là loại thuốc có tác dụng kích thích sinh trưởng với tất cả các loại rau, củ, quả. Đến cánh đồng rau ở đầu thôn, tôi thấy ở bờ ruộng vứt đầy vỏ thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ từ dạng vỉ đến dạng lọ. Một nông dân đang thu hoạch rau tên Hoa cho biết: "Rau cải đầu vụ rất nhiều sâu, để có rau ngon, người dân ở đây phải phun thuốc, nếu không làm sao bán được. Quan trọng là tính được thời điểm thu hoạch”. Thấy trên bờ có mấy bao thuốc toàn tiếng Trung Quốc, tôi hỏi chị Hoa đó là thuốc gì thì chị lấp lửng trả lời đó là thuốc trừ sâu.

Lâu nay chúng ta thường nói đến rau sạch, rau an toàn để phân biệt với các loại rau bình thường được bán tại chợ. Nhưng thực tế, để mua được rau sạch, rau an toàn ở tỉnh ta không dễ. Hiện nay, phần lớn các vùng trồng rau an toàn đều được các tư thương mua gom đem tiêu thụ tại các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tôi loanh quanh tại chợ Phú Yên (TP Hải Dương) gần nửa tiếng đồng hồ để tìm cửa hàng bán rau sạch nhưng không có. Cầm mớ rau cải trên tay hỏi nguồn gốc của rau, chị chủ cửa hàng cằn nhằn: “Trưa rồi! Không mua thì thôi. Từ sáng tới giờ bán hàng chục mớ rau có ai hỏi nguồn gốc đâu. Rau nào chẳng là rau". Đem băn khoăn làm cách nào để phân biệt giữa rau sạch và rau bẩn hỏi ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, ông cho biết: “Rau bẩn được hiểu là các loại rau được phun bằng các loại thuốc trừ sâu độc hại, không có trong danh mục được phép sử dụng; rau được dùng thuốc trừ sâu quá liều lượng cho phép hoặc dùng thuốc trừ sâu quá gần với ngày thu hoạch. Ngoài ra, rau sử dụng quá nhiều đạm vô cơ khiến trong rau chứa quá nhiều ni-tơ-rát, ni-tơ-rít hoặc người trồng rau sử dụng phân tươi, nước tiểu, nguồn nước bị ô nhiễm để tưới trực tiếp làm cho rau bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh, các hóa chất độc hại không có lợi cho sức khỏe... Hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc người trồng rau hoặc người bán rau phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nếu cơ quan chức năng có kiểm tra hoặc phát hiện rau có dư lượng thuốc BVTV hay hóa chất cao thì cũng chịu vì không truy được nguồn gốc, xuất xứ để kịp thời xử lý. Điều đáng quan tâm là các loại rau bẩn không dễ kiểm định chất lượng và nguồn gốc xuất xứ bởi phạm vi lưu thông của các loại rau quá rộng, rất khó kiểm tra, kiểm soát. Mặc dù từ năm 2003, ngành nông nghiệp đã có chế tài xử phạt nông dân sử dụng không đúng kỹ thuật thuốc BVTV theo Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày 19-3-2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, mức xử phạt từ 200-500 nghìn đồng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”.

Trong thời điểm hiện nay, khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng các thực phẩm sạch, nhất là rau, quả được rất nhiều người quan tâm. Việc trồng và chăm sóc rau phải được kiểm soát chặt chẽ từ đất đai, nguồn nước tưới, phân bón cho tới việc sử dụng các loại thuốc BVTV... Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng hóa chất BVTV an toàn, không vì lợi nhuận trước mắt mà “bỏ quên” sức khỏe của người tiêu dùng. Tỉnh cần khuyến khích nông dân xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn tập trung để vừa hạn chế chi phí sản xuất, nâng cao giá bán sản phẩm, vừa bảo vệ được sức khỏe và môi trường.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó kiểm soát rau bẩn