Ở Hải Dương, mặc dù BHTD đã được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện từ sớm, nhưng đến nay, vẫn rất khó phát triển mở rộng. Nguyên nhân là do phần lớn khách hàng còn thờ ơ, xa lạ với BHTD...
Trang trại chăn nuôi gia cầm của gia đình anh Nguyễn Thành Khương (xã Thanh Giang, Thanh Miện) hằng
năm thu lãi gần 1 tỷ đồng nhưng anh vẫn chưa tham gia bảo hiểm cho khoản tiền vay ngân hàng
Bảo hiểm tín dụng (BHTD) là một trong những dịch vụ được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm triển khai từ lâu, nhằm bồi thường cho khách hàng tham gia vay vốn tại các tổ chức tín dụng khi không may xảy ra rủi ro. Ở tỉnh ta, mặc dù BHTD đã được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện từ sớm, nhưng đến nay, vẫn rất khó phát triển mở rộng. Nguyên nhân là do phần lớn khách hàng còn thờ ơ, xa lạ với BHTD.
Khi được hỏi về BHTD trong nông nghiệp, ông Nguyễn Công Túc, thôn Cụ Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện), khách hàng thường xuyên vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Miện cho biết: Tôi cũng từng được cán bộ tín dụng của ngân hàng giới thiệu sản phẩm BHTD khi vay vốn nhưng với nông dân chúng tôi, vay vài chục triệu đồng để làm ăn đã khó lại bỏ mấy trăm nghìn đồng mua bảo hiểm thì vốn đầu tư bị thâm hụt nên tôi vẫn chưa tham gia.
Là khách hàng cá nhân, thường xuyên vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Hải Dương, với hạn mức vay mỗi năm lên tới cả tỷ đồng, nhưng đại lý kinh doanh bia, rượu, bánh kẹo của gia đình anh Miện trên phố Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cũng chưa tham gia bất kỳ loại hình BHTD nào. Theo anh Miện, BHTD là loại hình bảo hiểm tự nguyện, cơ sở kinh doanh của gia đình anh vẫn cần rất nhiều vốn để đầu tư mở rộng thị trường nên chi phí cho BHTD chưa thể ưu tiên.
Ông Nguyễn Văn Lực, Giám đốc Chi nhánh Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIC) Hải Dương cho biết: BHTD là bảo hiểm cho người vay vốn tại các tổ chức tín dụng, khi người tham gia vay vốn không may xảy ra rủi ro, thiệt hại đến tính mạng hoặc thiệt hại trên 40% sức khỏe của người vay vốn, phía công ty bảo hiểm sẽ thay mặt người vay trả cho ngân hàng tương ứng với dư nợ của người vay. Đặc biệt, khi người vay vốn tử vong, giảm hoặc mất khả năng lao động, bình thường ngân hàng hầu như không thể thu hồi được nợ. Nhưng nếu khách hàng vay vốn tham gia BHTD, cả khách hàng và ngân hàng sẽ hoàn toàn yên tâm về mặt tài chính khi có những sự kiện bảo hiểm xảy ra. Vì khi đó, cơ quan bảo hiểm sẽ thay họ chi trả toàn bộ dư nợ tại ngân hàng và mỗi trường hợp tử vong sẽ được hỗ trợ một phần mai táng phí. Tuy nhiên, đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện, việc triển khai sản phẩm này hiện chủ yếu thông qua kênh ngân hàng, nơi trực tiếp cung cấp tín dụng cho người vay nên không chỉ khách hàng không mặn mà, mà đôi khi chính cán bộ tín dụng ngân hàng cũng không thiết tha. Từ đầu năm đến nay, doanh thu bảo hiểm của chi nhánh mới chỉ đạt khoảng 4 tỷ đồng, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu từ BHTD chỉ chiếm khoảng 3%.
May mặc, ngành chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tuy nhiên, hiện
chưa có doanh nghiệp nào tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Ông Đặng Đức Chính, Trưởng phòng đại diện bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ABIC) Hải Dương, đơn vị đang cung cấp sản phẩm BHTD trong nông nghiệp cho biết: BHTD là một trong những nghiệp vụ bảo hiểm được các doanh nghiệp triển khai từ lâu. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện có rất ít doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm bởi nhiều rủi ro, chi phí tiếp cận hộ nông dân, hướng dẫn, tư vấn khá lớn. Từ năm 2009, ABIC Việt Nam đã thí điểm triển khai sản phẩm này tại một số tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh ta. Sau hơn 2 năm thực hiện, những kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn. Năm 2010, doanh thu từ BHTD của ABIC Hải Dương đạt khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng 5 tháng đầu năm 2011 mới chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng, trong khi ABIC Hải Dương đã phải chi trả bồi thường với số tiền lên tới gần 400 triệu đồng. Doanh thu BHTD giảm mạnh là do khách hàng, nhất là những khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm, còn xem nhẹ BHTD trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngoài việc các ngân hàng thắt chặt tín dụng, lãi suất hiện tăng quá cao khiến khách hàng càng không muốn tham gia BHTD. Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khiến BHTD trong nông nghiệp khó triển khai là do Nhà nước chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp cụ thể và chưa hỗ trợ tài chính cho nông dân tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên nông dân sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chưa có ý thức tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, chi phí quản lý, bồi thường, giám định cao dẫn đến kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp không có lãi, các doanh nghiệp bảo hiểm không có động lực thực hiện...
Không chỉ BHTD trong nông nghiệp, BHTD xuất khẩu cũng không được các doanh nghiệp trên địa bàn mặn mà. BHTD xuất khẩu khác với bảo hiểm thương mại truyền thống là bồi thường cho những thiệt hại từ rủi ro kinh doanh như hối đoái, mất khả năng thanh toán hay những rủi ro mang tính bất ngờ, không lường trước được như thiên tai, tai nạn... Mặt khác, BHTD xuất khẩu lại phụ thuộc rất lớn vào bên thứ ba (đối tác xuất khẩu). BHTD này cũng đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm phải có đủ năng lực đánh giá rủi ro thương mại, rủi ro chính trị đến với nhà nhập khẩu, ngân hàng nước nhập khẩu và khả năng biến động chính trị tại nước nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước thông thường không quá “mạo hiểm” với sản phẩm này.
Để BHTD phát triển cần hoàn thiện cơ chế chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực khai thác thị trường, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân... nhằm tích cực tham gia bảo hiểm.
HÀ VY - THÀNH LONG