Cây cà rốt đã trờ thành cây trồng truyền thống, thế mạnh của huyện Cẩm Giàng, gắn bó, làm giàu cho nông dân trong huyện suốt 40 năm qua, từ những năm 1979 đến nay.
Nông dân xã Đức Chính thu hoạch cà rốt
Từ xã Đức Chính (Cẩm Giàng), cà rốt đã được nông dân, thương lái phát triển sang các xã khác của huyện và các xã của huyện Nam Sách, TP Chí Linh, các địa phương khác như: tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam...
Lãnh đạo huyện Cẩm Giàng cho biết hiện nay các doanh nghiệp lớn thu mua, sơ chế cà rốt trong huyện như Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương, xã Cẩm Văn; Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Ánh Dương xã Cẩm Văn; HTX Chế biến Đức Chính... đang thu mua cà rốt của nông dân từ 50-100 tấn/ngày.
Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đang thu mua cà rốt tại huyện Cẩm Giàng như: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất nông nghiệp VinEco, Công ty TNHH MTV Hưng Việt, Doanh nghiệp tư nhân Vũ Công, siêu thị BigC, Vinmart...
Tất cả sản lượng cà rốt được thu mua vận chuyển về các công ty, doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn huyện để sơ chế, bảo quản và chế biến tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và các thành phố lớn khoảng 50%. Khoảng 50% được các nhà máy thu mua sơ chế, chế biến, bảo quản xuất khẩu sang các nước Trung Đông và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan.
Hiện nay, diện tích cà rốt toàn huyện cả năm 550 ha, năng suất 380 tạ/ha, sản lượng 20.000 tấn/năm. Vụ đông xuân gieo trồng khoảng 500 ha, năng suất bình quân 38,5 tấn/ha, sản lượng 19.000 tấn, tập trung tại các vùng đất bãi trù phú ven sông Thái Bình và một số diện tích chuyển đổi đất lúa trong đồng tại 4 xã Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Vũ và Cao An.
Cà rốt Cẩm Giàng dần phát triển và đến nay đã khẳng định thương hiệu, sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2008, cấp lại năm 2018; đạt Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam từ 2017; sản phẩm cà rốt tươi xã Đức Chính đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao năm 2019.
Bên cạnh đó, sản lượng cà rốt của huyện lớn, thời gian thu hoạch tập trung khoảng 3 tháng, trong khi doanh nghiệp tham gia thu mua chưa nhiều, hệ thống kho lạnh bảo quản cà rốt còn ít, công nghệ chế biến sản phẩm cà rốt sau thu hoạch rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và xuất khẩu nên giá trị gia tăng của sản phẩm sau thu hoạch còn thấp, chưa ổn định.
Chi phí sản xuất cao do công lao động cao, giá hạt giống cao (100% lượng hạt giống cà rốt được nhập khẩu từ Nhật Bản), tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa còn thấp và chưa đồng bộ nhất là khâu thu hoạch còn thủ công nên chất lượng chưa đồng đều, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Được biết, để tăng tiêu thụ cho cây cà rốt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ cà rốt vụ đông 2019 - 2020 tại xã Đức Chính.
Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp