Góc nhìn

Khi xu hướng bạo lực gia đình đảo chiều giữa vợ và chồng

NGỌC THANH 15/06/2024 05:34

Bạo lực dù xuất phát từ phía nào cũng đáng lên án. Nhưng tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới tăng lên cho thấy bình đẳng giới đang ngày càng gần hơn trong mỗi gia đình và phụ nữ cũng không dễ bị bắt nạt.

Tôi khá ấn tượng với con số phản ánh nạn nhân bạo lực gia đình được đưa ra tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV lần này. Theo đó, trong năm 2023, cả nước có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, gồm 2.628 nữ và 565 nam. So với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước.

Thực tế còn bạo lực gia đình là vẫn còn những nỗi đau, thậm chí báo hiệu cho sự đổ vỡ của một cuộc hôn nhân, sự tan rã của một gia đình. Nhưng tôi ấn tượng vì sự thay đổi có phần tươi sáng trong mảng tối này. Đó là cả số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm và đặc biệt là tỷ lệ nữ giới bị bạo lực cũng giảm đi, thay vào đó, tỷ lệ nam giới bị bạo lực có dấu hiệu tăng hơn. Bạo lực dù xuất phát từ phía nào cũng đáng lên án. Nhưng con số trên cũng cho thấy bình đẳng giới đang ngày càng gần hơn trong mỗi gia đình và phụ nữ cũng không dễ bị bắt nạt, họ đang mạnh mẽ hơn từng ngày.

Thật đáng buồn vì đến tận bây giờ chúng ta vẫn phải nói nhiều về bình đẳng giới, về sự bình đẳng giữa nam và nữ trong hôn nhân. Bởi ngay từ năm 2006, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới với rất nhiều nội dung tiến bộ, bình đẳng giữa nam và nữ. Trong luật cũng quy định rõ về bình đẳng giới trong gia đình như: Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình; vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình…

Nguyên nhân chính có lẽ từ xưa đến nay, trong tiềm thức nhiều người, đặc biệt theo quan niệm của người phương Đông, phụ nữ gắn liền với đức tính tảo tần, giàu sự hy sinh. Thậm chí có người còn cho rằng, đức hy sinh là khía cạnh không thể tách rời của người phụ nữ. Với quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thì sự hy sinh của người phụ nữ là vì gia đình, vì chồng, vì con, để gia đình hạnh phúc, ấm êm.

Bởi suy nghĩ như thế mà thực tế không ít phụ nữ đã rơi vào bi kịch, trói buộc cuộc sống của mình trong những đau đớn về cả thể xác và tinh thần khi bị chồng bạo hành. Họ không dám đứng lên bảo vệ bản thân vì sợ sự đổ vỡ của hôn nhân, ảnh hưởng đến con cái.

Bạn tôi kể rằng, ngày bạn về làm dâu, rất nhiều người trong gia đình khuyên hãy sống như mẹ chồng bạn - một người luôn biết nhẫn nhịn, hy sinh tất cả vì con cái. Nhờ sự hy sinh của bà mà gia đình mới vẹn toàn như ngày hôm nay. Sống chung lâu ngày, bạn đã hiểu ra sự hy sinh của mẹ chồng mình. Bố chồng bạn là một người nghiện rượu. Hễ cứ uống quá chén là ông sẽ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Thậm chí có lần ông còn đốt hết quần áo và đuổi bà ra khỏi nhà. Hàng chục năm trời cuộc sống của mẹ chồng bạn cứ luẩn quẩn trong cái vòng tối tăm như thế nhưng chưa bao giờ bà dám phản kháng. Bà luôn tâm niệm một điều rằng, phải giữ gia đình trọn vẹn cho các con bằng bất cứ giá nào.

Tôi hỏi bạn, nếu chồng bạn mà tính khí như bố chồng thì bạn có chịu được không, bạn có chấp nhận hy sinh như mẹ chồng bạn không? Bạn tôi bảo chắc chắn sẽ bỏ chứ không thể sống một đời như thế được.

Với câu chuyện của gia đình bạn tôi kể trên, chắc chắn ở thời điểm này vẫn còn không ít ý kiến trái chiều. Cá nhân tôi thì ủng hộ bạn. Quyết định như bạn chính là sự mạnh mẽ đang ngày càng lớn hơn của phụ nữ thời nay. Nó cũng cho thấy rằng sự bình đẳng là cần trong xã hội hiện đại, phụ nữ và đàn ông cùng phải chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình.

NGỌC THANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi xu hướng bạo lực gia đình đảo chiều giữa vợ và chồng