Từ ngày vợ có “phây”, ông Trần Thanh Bùi, ban đầu cảm thấy thoải mái, bởi vì bà vợ bớt cằn nhằn chồng về trễ, bớt hỏi chồng đi đâu ...
Từ ngày vợ có “phây”, ông Trần Thanh Bùi, ban đầu cảm thấy…thoải mái, bởi vì bà vợ bớt cằn nhằn chồng về trễ, bớt hỏi chồng đi đâu, bớt nhăn khi chồng đi dép vào nhà…Nhưng, dần dần, bà vợ cũng bớt lo bữa sáng cho chồng, bữa cơm tối toàn thức ăn chề biến sẳn…Bà dành thời gian để lên “phây”. Đối với bà, “phây bút” là một công cụ hàng đầu để…giới thiệu hình ảnh bản thân ra cộng đồng. Trên mạng là thế giới ảo, nhưng thực tế hơn thế giới thật. Thì bà lý giải đây: Mình đẩy cái gì lên, là có bạn chia sẻ liền, thích thì bấm “like”, không thích thì thôi, không bận lòng. Mà mỗi lần, vào trang chủ, thấy người ta sống thật hơn ngoài đời, tâm trạng thế nào chẳng cần giấu diếm, nói chuyện với người ngoài dễ hơn với người thân nhiều.
Và cũng để phong phú thông tin, hình ảnh và trải nghiệm như mọi người, bà tăng cường chụp hình, tút tát kỹ lưỡng. Tất nhiên, bà phải đầu tư thêm quần áo, trang sức, đầu tóc. Cứ sau mỗi cái “còm”: Xinh qué” của bạn bè, bà tiếp tục phát hành hình mới, đủ các kiểu: đứng ngoài sân, ngồi trong nhà, nằm trên ghế…, rồi ôm mèo, ôm chó…Tối, sau giờ cơm, bà biến vào phòng để xem xét tình hình phát triển bạn bè, vui mừng khi nghe nhà phây thông báo: bà nay đã trở thành bạn của người này, người kia, người nọ…Khuya, chồng lên giường, bà vợ còn dán mắt vào màn hình để đẩy cái gì lên trang nhà, để chộn rộn còm chỗ này chỗ kia ở trang chủ…Có lúc bà ngồi thẩn thờ vì chẳng có ai “lai”, chẳng có ai vào “còm”, “nhà” mở cửa, sáng đèn mà vắng tanh. Bởi thế, chồng bực, thở dài, nghĩ vợ chồng vẫn ăn ở với nhau, mà dần dần không có nhau.
Ảnh minh họa |
Phát hiện ra bạn cũ, người yêu cũ…là nguồn cảm hứng để bà Nguyễn Thị Kim Trang tham gia cộng đồng phây. Cũng từ “ngôi nhà thứ hai” này, bà có cơ hội nâng cao trình độ, khả năng giao tiếp với người quen lẫn người lạ. Bà phát hiện ra mình là một “còm thủ” khó có đối thủ, vì những gì bà “còm” khiến cho thiên hạ phải phục lăn. Điều đó, khiến bà càng hăng say, đi rảo hết “nhà” này, đến “nhà” kia để phát biểu ý kiến.
Nhưng, đối với ông chồng, điều làm ông khổ tâm là “Má tôi dưới quê lên thăm, vợ tôi sử dụng toàn bằng ngôn ngữ trên phây: “Sao vại má?” “Là seo?” thế đóa”…” ;“rảnh rỗi ra nông nổi nghen má”; “Thôi, má già, má xấu thì má phải phấn đấu”…Bà má ngạc nhiên, theo hỏi con trai, sao vợ con ăn nói hỗn xược vậy? Ông chồng còn đau khổ, khi sánh vai vợ ngồi trong đám tiệc cưới, đám giỗ, lễ… vợ ông cứ khư khư ôm cái điện thoại, “chọt, chọt” liên tục vào màn hình, chẳng nhớ, chẳng nghe ai nói gì, hỏi gì. Mọi người trong mâm cũng ngại ngùng, tưởng vợ ông là sếp đang chỉ đạo công viêc. Cũng vì chuyện phây, mà vợ chồng lục đục hoài. Bà vợ quả quyết với chồng “Anh mà có phây, có khi còn “lai” nó nhiệt liệt hơn tui”.
Cũng vì quá mê phây, mà bà Lê Ngọc Giao, một giáo viên cấp hai, để đứa con hai tuổi té lăn lóc xuống cầu thang, may mắn, lúc đó ông chồng không có ở nhà. Hối hận dâng tràn, bà quyết định ngưng cuộc chơi với bạn phây. Nhưng mới cai được ba ngày, bạn bè nhắn tin í ới: “Bồ bị sao vại?”, mới biết ai cũng quan tâm đến bà - người có nhiều ý tưởng lạ đời, luôn tạo ra những cơn sóng trên phây. Bà cảm thấy áy náy, như có lỗi với những người đã cùng mình chia sẻ những lúc đơn chiếc, những khi lạc lòng…rồi sau đó là cảm giác bồn chồn, nhớ nhung ngôi nhà thứ hai, khiến bà như kẻ tương tư. Vì thế, đến ngày thứ tư, bà lại ôm chiếc laptop, nhiệt tình thông báo “sự cố” vắng mặt của mình, cả hội vào chia sẻ, an ủi…Thật là cảm kích!
Bà vợ dần nhận ra, mình không thể sống thiếu phây ,còn ông chồng bà thì nhận ra không thể sống nếu bà vợ như người khách trọ. Hàng ngày, vợ chồng trao đổi với nhau vài thông tin cần thiết liên quan đến con cái, gia đình hai bên, chuyện tâm tình, chia sẻ ngày càng thưa thớt. Hình như bây giờ, bà mất dần thói quen nói, viết ra vui hơn, đầy đủ hơn. Vì thế, ông chồng cũng phải làm cái phây để biết cuộc đời của vợ mình. Nhưng cũng từ đó, vợ chồng lại càng không muốn nhìn mặt nhau, bởi ông chồng cho rằng: đến 80% là chuyện tào lao, chuyện "bà tám" trên phây của vợ, mua con cá ươn cũng “bình lựng”, “ăn ly chè, con ốc…” mà tán đến chuyện….ngọt nhạt tình người. Bà vợ “hựng” kiểu cười khẩy của chồng, càng đắm đuối với phây, nơi bà nhận thấy mình thật là “trí tuệ”.
Facebook là một công cụ đắc lực trong giao tiếp xã hội con người. Không thể phủ nhận tính kết nối nhanh nhạy của nó. Cũng vì thế, mà nó có sức “lùa” rất nhiều người lên mạng, và ngốn hết thời gian, sức lực của họ. Nhưng thực tế đã cho thấy người nào gắn bó chặt chẽ với phây, thì thường lỏng lẻo với gia đình. Vì thế, ai muốn tham gia vào chốn “ì xèo” này phải hết sức kiềm chế và sáng suốt.
(Nguồn: Vietnamnet)