Tại nhiều trường, các cô gái trẻ “vác” bầu đi học không còn xa lạ. Thực trạng này đang gióng hồi chuông về lối sống bất chấp hậu quả của sinh viên...
Từ năm học thứ hai, Nguyễn Thị Hường (22 tuổi, quê Thanh Hóa), sinh viên Trường ĐH Hồng Đức, đã được người yêu đưa đón đi học. Rồi vì lý do “không muốn xa nhau” người yêu Hường chuyển đến sống chung nhà trọ với cô và hậu quả tất yếu là cô có bầu.
Hường đòi cưới, nhưng gia đình người yêu không chấp nhận vì người yêu cô chưa có công việc ổn định. Hường đi thực tập “vác” bầu 5 tháng, chưa kịp thi tốt nghiệp thì đã sinh con. “Giờ con mình đã 7 tháng vẫn chưa thể đi học tiếp để trả nợ môn và thi tốt nghiệp vì không có ai chăm con” – Hường chia sẻ.
Thời sinh viên là quãng thời gian quan trọng, để mỗi con người trưởng thành hơn, nhưng cũng dễ bị cám dỗ (ảnh minh hoạ). |
“May mắn” hơn Hường, Đoàn Thị Huyền, quê Thái Nguyên, đang là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì có bầu 2 tháng. Huyền được bố mẹ đồng ý cho lấy vì người yêu có công việc ổn định ở Hà Nội. Tháng thứ 6, bầu lớn vượt mặt, hàng ngày Huyền vẫn phải đi lại nhiều vì đang trong thời gian thực tập. Hỏi về thời gian tới, Huyền chia sẻ: “Thực tập xong em sẽ sinh, nhưng lại đúng vào kỳ thi tốt nghiệp, chắc em phải bảo lưu lại năm sau thi”.
Học viện Hành chính Quốc gia cũng có cảnh bụng bầu đi học. Đó là trường hợp của Bùi Thị Liên, sinh viên năm 4. Liên có bầu tới tháng thứ 4 thì phải cưới gấp. Cô chia sẻ: “Gia đình nói bọn em hợp tuổi nên cưới luôn, không thì phải 2 năm nữa mới cưới được. Biết có con khi còn đi học thì vất vả, nhưng thôi, đằng nào cũng vậy”.
Những quả đắng…
“Bạn em bảo ăn trái cấm sớm thì sẽ gặp phải trái đắng” - lời tâm sự buồn của một bà mẹ trẻ sinh viên quê Nghệ An buồn ứa nước mắt. Cô có bầu, người yêu “quất ngựa truy phong” và giờ phải bôn ba ở Hà Nội một mình. “Em từng học du lịch nhưng không tốt nghiệp được, giờ đi làm công nhân may nuôi con, đời không biết sẽ về đâu” - cô kể.
Ông Nguyễn Văn Thắng (ngõ Đa Lộc, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) - người có hơn chục phòng trọ cho thuê cho biết: “Tôi thấy hiện nay có khá nhiều cháu sinh viên sống buông thả. Xóm trọ của tôi có khá nhiều đôi sống thử, vài sinh viên bất đắc dĩ phải vác bụng bầu đi học. Làm như vậy là vô trách nhiệm với chính mình và với cả đứa trẻ”.
Hoàn cảnh của Nguyễn Thị Thọ, ở Tuyên Quang, năm nay 29 tuổi cũng thật éo le. Khi còn học năm thứ 3 Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, Thọ có người yêu ở Bắc Ninh. Yêu đương không an toàn, chị có bầu. Ngay khi biết tin, người yêu chị đòi chia tay. Chị giữ thai và nuôi con một mình với hy vọng người yêu quay lại.
Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm đến gia đình người yêu nhưng bị hắt hủi, chị đành ôm con đi. Chưa học xong, không có công việc, chị về quê nuôi con và làm việc đồng áng. Ngồi kể lại, chị nghẹn ngào trong nước mắt: “Giá tôi không mù quáng trong yêu đương thời sinh viên thì không đến nỗi khổ cả mẹ cả con...”.
Nói về vấn đề “bà mẹ sinh viên”, ông Vũ Đức Tân - giảng viên Học viện Báo chí Tuyên truyền bày tỏ: “Sinh viên các trường đại học đều trên 18 tuổi. Chẳng có luật nào cấm đoán các em việc lấy chồng, sinh con. Tuy nhiên, sinh con trong thời gian này ảnh hưởng nhiều đến việc học. Thực tế, các em “lỡ” mang bầu thời sinh viên đều ít kiến thức về sức khỏe sinh sản, không được chuẩn bị kỹ về hôn nhân và gia đình nên nguy cơ rủi ro cao”.
Đại học là quãng thời gian quan trọng, để mỗi con người trưởng thành hơn về nhận thức chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Vì vậy vấn đề kết hôn, có con khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều mỗi cá nhân cần phải suy nghĩ, để có quyết định sáng suốt.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Đào Nhâm(DV)