Khi nông dân "quên" đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

19/11/2012 08:24

Mặc dù những sản phẩm này đã được nhiều người biết đến, nhưng chủ nhân của chúng lại không quan tâm tới việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ...



Chiếc máy bóc, thái hành, tỏi của ông Sành có thể xử lý được 6 - 8 tạ nguyên liệu/giờ

Tại Hội chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2012 (Techmart 2012) vừa qua, tỉnh ta có 3 sáng kiến công nghệ tham gia,  trong đó có 2 sáng kiến đáng chú ý là máy thái hành, tỏi của ông Nguyễn Văn Sành và lưỡi cày lên luống của ông Nguyễn Văn Chế (cùng ở xã Nam Trung, Nam Sách). Mặc dù những sản phẩm này đã được nhiều người biết đến, nhưng chủ nhân của chúng lại không quan tâm tới việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Gia đình ông Nguyễn Văn Sành chuyên trồng và chế biến hành, tỏi. Trước kia, việc bóc và thái hành chủ yếu làm thủ công, vì vậy sản phẩm thường bị dập nát, không đều, hao hụt nhiều và năng suất thấp (chỉ được gần 30 kg/giờ). Từ thực tế đó, ông Sành đã mày mò, nghiên cứu sáng chế máy thái hành, tỏi tự động. Sản phẩm được làm bằng i-nốc, nặng khoảng 25 kg, có giá 4 triệu đồng/chiếc. Sử dụng máy này, một lao động có thể bóc và thái được 6 - 8 tạ hành, tỏi/giờ, thay thế hàng chục lao động thủ công. Đặc biệt, hành, tỏi khi được thái không bị dập nát, không hao hụt, miếng thái rất đều. Chiếc máy này còn thái được nhiều sản phẩm khác như quả chuối, bí, cà rốt, dưa chuột… với nhiều hình dạng khác nhau như: hình hoa, hình trái tim, hình răng cưa… Sáng chế ra máy thái hành, tỏi từ năm 2002, nhưng đến năm 2004, ông Sành mới được biết đến việc đăng ký quyền SHTT. Tuy nhiên, theo quy định của Cục SHTT, khi sáng chế đã được đưa vào sử dụng một năm thì không thể đăng ký quyền bảo hộ SHTT nữa vì mất tính mới. Lúc đầu, ông Sành bị mất khách hàng do sản phẩm không độc quyền, bị nhiều nơi nhái lại. Tuy nhiên, với bàn tay khéo léo, những sản phẩm của ông Sành làm ra ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn. Mỗi năm, ông bán ra thị trường khoảng 70 chiếc máy. Ông cho biết: “Mặc dù sản phẩm đã bị mất quyền SHTT, nhưng tôi luôn tin tưởng vào sản phẩm mình làm vì tôi làm cẩn thận, máy chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Có những người từ trong miền Nam cũng tìm đến tận nơi để đặt hàng. Về lâu dài, tôi mong sản phẩm của mình được đăng ký SHTT”.

Là người gắn bó với nông nghiệp nhiều năm, xuất phát từ thực tế của gia đình và những hộ dân khác trong thôn, ông Nguyễn Văn Chế ở thôn Thụy Trà lúc nào cũng đau đáu để tìm ra công cụ lên luống trồng rau màu nhanh, hiệu quả và tiết kiệm. Trước kia, 1 ha đất làm theo cách thủ công hết 800 nghìn đồng tiền công, luống không được thẳng, đất to, khiến việc gieo trồng gặp nhiều khó khăn. Qua nhiều lần mày mò, cải tiến, năm 2008, ông Chế đã sáng chế lưỡi cày lên luống. Tuy nhiên, ban đầu lưỡi cày chưa đạt được hiệu quả cao. Sau nhiều lần điều chỉnh, vụ đông năm 2009, lưỡi cày hoàn thiện và được những người dùng thử đánh giá cao. Lưỡi cày làm bằng sắt, trọng lượng 25 kg, được lắp với máy cày của Nhật Bản có công suất 220 mã lực. Sử dụng sản phẩm này, người nông dân sẽ tiết kiệm được 2/3 sức lao động và 50% chi phí. Mỗi ngày, một máy có thể lên luống được hơn 1 ha, phục vụ kịp thời yêu cầu làm đất trồng cây vụ đông. Ông Chế cũng hoàn toàn "quên" việc đăng ký SHTT cho sản phẩm của mình. Ông cho biết: “Là người nông dân thấy thiếu gì thì tôi làm đấy, hoàn toàn không nghĩ đến việc phải bảo hộ giải pháp hữu ích cho "lưỡi cày lên luống". Sau này biết đến thì quá muộn, chỉ kịp đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm". Khi được đăng ký nhãn hiệu, mỗi sản phẩm của ông Chế đều được đính kèm nhãn ghi rõ cơ sở sản xuất, địa chỉ. Lưỡi cày lên luống vừa bền và tiện, giá thành phù hợp, chỉ dao động từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/chiếc. Mỗi năm cơ sở của ông Chế sản xuất và tiêu thụ khoảng 120 lưỡi cày lên luống. Riêng xã Nam Trung, nhà nào trồng cây rau màu đều có sản phẩm này.  
Việc nông dân "quên" đăng ký quyền SHTT do họ không biết việc này. Lúc đầu, họ sáng chế ra nông cụ chỉ phục vụ cho gia đình, sau này bắt nguồn từ nhu cầu của người tiêu dùng mới sản xuất nhiều hơn.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay toàn tỉnh có 904  văn bằng được cấp về sở hữu công nghiệp. Trong đó, có 807 nhãn hiệu, 90 kiểu dáng công nghiệp và 7 sáng chế (giải pháp hữu ích). Kinh phí bảo hộ phụ thuộc vào từng sản phẩm. Để đăng ký quyền SHTT cho một sản phẩm không phức tạp nhưng người nông dân thường gặp khó khăn trong cách mô tả sản phẩm bảo hộ. Họ có thể làm được nhưng không vẽ ra được sản phẩm. Để khắc phục tình trạng đó, cán bộ sở đã tích cực hướng dẫn nông dân về quyền bảo hộ sản phẩm. Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tạo điều kiện cho nông dân tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm.

Để các sáng chế được bảo hộ quyền SHTT, các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền, khuyến khích sáng chế và có hướng dẫn kịp thời tới người có các phát minh mới, bảo đảm sự độc quyền cho sản phẩm. Đặc biệt, nếu người nông dân muốn sản phẩm của mình được độc quyền, khi có sáng chế mới phải nghĩ đến việc bảo hộ, giữ bí mật về thông tin, sau đó đến Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn làm thủ tục bảo hộ quyền SHTT.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông dân "quên" đăng ký quyền sở hữu trí tuệ