Chị Nga là con gái thành phố chính hiệu. Khác với nhiều cô gái đến tuổi cập kê đều mơ ước lấy chồng giàu, chị Nga chỉ nghĩ mình sẽ chọn người có đức, quan trọng là yêu chị hết lòng.
Còn Cường xuất thân từ một vùng quê nghèo. Anh bị chị Nga cuốn hút bởi nét duyên dáng, tính tình nết na, chu đáo. Họ đến với nhau bằng tình yêu của thời son trẻ.
Một năm sau khi làm đám cưới, đứa con gái lớn ra đời. Cường tất bật lo cơm, áo, gạo tiền nuôi vợ con. Công việc của anh từ đây phất lên như diều gặp gió. Ban đầu anh làm trưởng phòng kinh doanh cho một hãng xe ô tô. Có tiền, anh đầu tư học thêm lớp quản trị kinh doanh ở nước ngoài. Khi về nước, Cường thành lập công ty riêng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Làm ăn thuận lợi, anh lấn sân sang mở siêu thị, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Anh mua nhà, tậu xe... Nhìn vào cuộc sống sung túc, đầy đủ của mẹ con chị Nga, ai cũng thầm ngưỡng mộ.
Thời gian thấm thoắt, chị sinh con gái thứ 2. Đầu tắt mặt tối lo cho các con, cơm nước, giặt giũ rồi công việc gia đình hai bên nội, ngoại đều do một tay chị Nga lo liệu. Khi các con mỗi ngày một lớn, chị Nga có nhiều thời gian chăm sóc bản thân. Lúc này chị thấy cần nhiều khoảng riêng tư với chồng hơn... Nhưng anh vẫn tối ngày bận công việc làm ăn, tiếp khách, rất hiếm khi dành thời gian cho vợ.
Là người đàn ông thành đạt, kiếm tiền giỏi nhưng anh lại không phải mẫu người đủ tinh tế để cảm nhận hết tâm tư của chị. Nhiều hôm, chị cho con ăn trước, còn mình cố đợi chồng về. Đồng hồ điểm 11 rồi 12 giờ đêm, Cường nhắn tin gọn lỏn: "Anh lại đi tiếp đối tác, về muộn". Về đến nhà anh đã say mềm. Chị giúp chồng thay quần áo, rửa chân tay rồi dìu anh đi ngủ. Tiếng ngáy khô khốc của người say rượu cùng hơi men nồng nặc khiến chị không ngủ được. Quay mặt vào trong, chị tủi thân khóc nức nở. Anh vẫn ngáy. Vẻ mặt vô tâm của anh càng làm chị bực bội. Giá như lúc này Cường đủ tỉnh táo, quàng tay ôm lấy chị. Chị chỉ cần có thế... Có lúc ngồi buồn một mình, chị nghĩ con đường mình đi có người sánh bước nhưng sao vẫn cô đơn?
Không chấp nhận, chị nói chuyện thẳng thắn với chồng. Lạ một điều, thời gian không khiến anh thay đổi. Chẳng lẽ chồng chị lại hời hợt, vô tâm đến thế? Cuộc sống đủ đầy nhưng không có người san sẻ, chị thấy mình như cây hoa đang héo. Tuổi xuân cứ trôi đi một cách nhàm chán, có chồng mà như không. Chị quyết định ly hôn. Chị nuôi đứa lớn, anh nuôi đứa nhỏ.
Rồi Cường cũng lấy vợ khác, sinh thêm con. Còn chị, chị vẫn một thân một mình nuôi con ăn học. 12 năm làm mẹ đơn thân không dễ dàng nhưng từ đổ vỡ hôn nhân, chị cho rằng mình đã đẩy các con rơi vào bi kịch. Các con chị dù trở thành những đứa trẻ "già" trước tuổi, biết lo toan và chịu đựng, nhưng những vết thương lòng trong chúng khó có thể lành. Chúng đều ít nói, sống khép kín, thậm chí có dấu hiệu trầm cảm. Cố gắng bù đắp bao nhiêu nhưng chị Nga vẫn thấy các con luôn có nỗi buồn thăm thẳm. Chị xót xa! Khổ tâm nhất là khi chị nhớ về đứa con gái nhỏ, nhớ mùi khen khét trên mái tóc con. Các con chị nhớ nhau, nhớ bố, nhớ mẹ... Chị tưởng tượng được các con khổ tâm đến thế nào.
Một ngày định mệnh, chị Nga phát hiện mình bị ung thư phổi. Khi ấy con gái lớn vừa tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm. Nằm trên giường bệnh, chị lo lắng khi mình mất đi, các con chị sẽ ra sao? Nghe đâu chồng cũ của chị làm ăn "gẫy cầu". Nhưng dù sao đứa nhỏ ở cùng bố vẫn có người chăm sóc. Còn con gái lớn của chị biết trông cậy vào đâu? Con của chị vừa lớn lên đã mang trên vai nỗi lo kiếm tiền, chăm sóc mẹ bệnh tật... Thân thể rã rời, chị ước gì mình có đủ sức khỏe để gượng dậy, đơn giản là nấu cho con bát mỳ trước khi con cắp túi hồ sơ đi xin việc. Hoặc lúc này, chị vẫn còn một gia đình vẹn nguyên để có người lo cho các con thay phần của chị.
Giờ thì chị mất đã được vài năm. Con gái lớn của chị đã đến tuổi lấy chồng. Nhưng đến nay, ám ảnh đổ vỡ hôn nhân của bố mẹ khiến em không dám nghĩ tới chuyện tìm cho mình hạnh phúc riêng.
TƯỜNG VY