Bắc Kinh đang thúc đẩy các sáng kiến đa phương của riêng mình ở Trung Á trong bối cảnh ảnh hưởng của Nga suy yếu.
Theo nhận định của Giáo sư Emil Avdaliani tại Đại học Châu Âu và là giám đốc Nghiên cứu Trung Đông tại tổ chức tư vấn Geocase ở Gruzia, Trung Quốc gần đây đã khởi xướng dự án đường sắt rất được mong đợi đến Uzbekistan. Điều này phản ứng xu hướng trên khắp Âu-Á trong những tháng gần đây, báo hiệu rằng Nga đang mất dần quyền kiểm soát đối với Nam Caucasus và Trung Á do cuộc xung đột ở Ukraine. Các quốc gia Trung Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước những hậu quả từ cuộc xung đột này khi khu vực đang quay cuồng với những vấn đề kinh tế và chính trị tiêu cực.
Giáo sư Avdaliani cho rằng, một nhược điểm lớn đối với Moskva trong việc đánh mất ảnh hưởng trong khu vực là vị thế đang suy yếu của họ với tư cách là "nhà bảo đảm an ninh chính" cho các quốc gia Trung Á. Sự “phân công lao động” không chính thức với Bắc Kinh, trong đó Nga chủ yếu hỗ trợ ổn định thông qua quân sự, an ninh và Trung Quốc đóng vai trò là nhà đầu tư lớn về kinh tế, đang dần sáng tỏ.
Khi niềm tin suy giảm, các quốc gia Trung Á cũng giảm dần sự phụ thuộc vào Nga. Ví dụ, sự leo thang của xung đột biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan gần đây khiến Moskva khó chịu, vì hai nước này đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), nhưng Nga đã thất bại trong việc can thiệp và thậm chí còn bị Kyrgyzstan cho là đang ủng hộ Tajikistan.
Điều này dẫn đến quyết định của Kyrgyzstan không tham gia cuộc tập trận quân sự "Tình anh em không thể phá vỡ 2022" của CSTO và từ chối tham gia cuộc tập trận ở Tajikistan. Ngoài ra, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã từ chối tới Nga dự hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS).
Các cuộc tập trận quân sự được coi là một phần quan trọng trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong CSTO. Việc từ chối tham gia là một dấu hiệu rõ ràng về ảnh hưởng đang suy giảm của Moskva. Ngược lại, Bắc Kinh đang tích cực hướng tới việc triển khai mở rộng các công ty an ninh tư nhân của mình trên khắp Trung Á.
Điện Kremlin cũng đang gặp rắc rối trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU), một khuôn khổ hợp tác lớn khác do Moskva đứng đầu. Mối quan hệ của Nga với Kazakhstan, một đồng minh lớn trong EEU, đang ở trong tình trạng tồi tệ. Astana đã phản ứng nhạy cảm trước những một số bình luận dân tộc chủ nghĩa của các chính trị gia Nga và những vấn đề lãnh thổ liên quan đến các khu vực có người Nga sinh sống ở miền Bắc Kazakhstan.
Hợp tác an ninh mạng cũng trở nên phức tạp khi Kazakhstan ngày càng hạn chế liên kết với Nga. Ví dụ, theo tờ Kommersant (Nga), dự án Bizon của phía Nga với nhà điều hành viễn thông Transtelecom của Kazakhstan để đảm bảo an ninh mạng ở nước này đã bị đóng băng.
Việc uy tín và ảnh hưởng của Nga ở các nước lân cận đang giảm sút đang thúc đẩy Bắc Kinh tìm kiếm một vai trò chủ động hơn ở Trung Á. Hợp tác quân sự của Bắc Kinh với các quốc gia Trung Á đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua. Với vai trò của Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, bằng chứng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đại dịch COVID-19 tới Astana, sự hợp tác của nước này với các quốc gia trong khu vực sẽ chỉ được tăng cường.
Về bề ngoài, Bắc Kinh có thể sẽ hỗ trợ phối hợp với Moskva và các tổ chức liên chính phủ chẳng hạn như CSTO, để giảm bớt lo ngại từ Nga và các quốc gia Trung Á, nhưng có một xu hướng là rõ ràng: Bắc Kinh đang chuẩn bị can dự sâu hơn vào khu vực, đưa Trung Á vào các sáng kiến của riêng mình.
Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) là một sáng kiến như vậy, và Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay tại Kazakhstan. Một sáng kiến khác là khuôn khổ “Trung Quốc+Trung Á” (C+C5), tập trung vào các vấn đề kinh tế và an ninh khu vực. Nền tảng này được thành lập trong đại dịch COVID-19 và mang đến cho Bắc Kinh cơ hội phát triển một cách tiếp cận toàn diện đối với Trung Á.
Giáo sư Avdaliani kết luận, những khó khăn của Nga, vốn trầm trọng hơn sau cuộc xung đột ở Ukraine, cũng có thể thấy rõ nước này không có khả năng ngăn chặn sự phát triển cơ sở hạ tầng khu vực. Dự án đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan từng bị đình trệ, thường bị trì hoãn do sự can thiệp của Nga, cuối cùng đã đạt được tiến bộ, với sự dẫn đầu của Bắc Kinh. Ngoài ra, các hiệp định thương mại trị giá hàng tỷ USD mà ông Tập Cận Bình vừa ký với Uzbekistan và Kazakhstan đã làm lu mờ thêm những nỗ lực của Nga trong khu vực.
Theo Báo Tin tức