Thời gian qua, lực lượng công an các cấp đã tích cực vào cuộc, khẩn trương lập cơ sở dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số.
Việc từng bước hoàn thiện dữ liệu gốc đã giúp Công an tỉnh thực hiện hiệu quả nhiều thủ tục hành chính công trực tuyến
Từ khi bắt tay vào thực hiện Đề án 06, lực lượng công an các cấp của tỉnh luôn xác định thực hiện tốt cơ sở dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip là dữ liệu gốc để thực hiện thành công việc chuyển đổi số.
"Đúng, đủ, sạch, sống"Nhiều tháng nay, lực lượng công an huyện Cẩm Giàng tích cực triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án 06). Cán bộ, chiến sĩ của Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội cùng lực lượng được lãnh đạo Công an huyện tăng cường đang miệt mài hoàn thiện hồ sơ tiếp nhận, cấp, quản lý CCCD. Các cán bộ, chiến sĩ tập trung rà soát tài liệu, lập hồ sơ cẩn thận. Cùng với đó, lực lượng công an cấp xã tập trung làm sạch cơ sở dữ liệu dân cư với tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống".
Trung tá Lê Xuân Hiển, Trưởng Công an xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) cho biết địa phương hiện có hơn 2.700 hộ, hơn 9.100 nhân khẩu, từ 5.000-6.000 công nhân ở trọ, 1.100 công nhân ở trong khu ký túc xá của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam. Người dân và người lao động ở trọ trên địa bàn thường xuyên biến động. Do đó, công tác rà soát, làm sạch dữ liệu về dân cư rất vất vả.
"Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Công an xã cùng một số đơn vị liên quan không quản ngại ngày đêm, ngày nghỉ để thực hiện công việc này. Đặc biệt, với trường hợp biến động phải rà soát, thẩm tra thật kỹ để bảo đảm thông tin chính xác, cập nhật kịp thời", trung tá Hiển cho biết.
Hiện nay, thông tin của 100% số công dân của tỉnh đã được rà soát, làm sạch dữ liệu, 100% số công dân đã được cấp mã số định danh. Cùng với đó, lực lượng công an các cấp cũng tăng cường thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip. Theo Công an tỉnh, đến ngày 18.7, toàn tỉnh thu nhận 1.517.739 hồ sơ và đã nhận 1.273.193 CCCD gắn chip, đạt gần 84%. Với quyết tâm sớm hoàn thiện việc cấp CCCD gắn chip để đẩy nhanh phục vụ các dịch vụ công trực tuyến, cuộc sống của nhân dân, Công an tỉnh phấn đấu đến ngày 31.8 hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip đối với các trường hợp từ đủ 14 tuổi trở lên còn lại, với số lượng 342.200 người (Bộ Công an giao đến hết tháng 9). Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị công an tích cực vào cuộc, có giải pháp kịp thời khắc phục khó khăn.
Trung tá Phạm Văn Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an huyện Gia Lộc cho biết từ nay đến hết tháng 8, đơn vị cần thu nhận tổng số hơn 6.700 hồ sơ cấp CCCD gắn chip cho công dân. Đây phần lớn là những trường hợp khó như tuổi cao, lao động tự do, làm ăn xa, có CCCD mã vạch cũ còn thời hạn sử dụng chưa muốn chuyển... Để thực hiện được nhiệm vụ này, Công an huyện chỉ đạo, yêu cầu công an cấp xã thực hiện điều tra cơ bản, phân tích chi tiết, cụ thể số công dân không thể thu nhận và có thể thu nhận được CCCD trên địa bàn để có giải pháp phù hợp.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cẩm Giàng tích cực hoàn thiện hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân
Hiệu quả rõ rệtTừ sự nỗ lực và chung tay của các cấp, ngành, người dân ủng hộ, trên kết quả của dữ liệu dân cư, cấp CCCD gắn chip, Công an tỉnh đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện và xã. Đồng thời thúc đẩy việc chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến của các cấp, ngành, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo tổng hợp của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh, đến hết tháng 6, toàn tỉnh có 6 trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu đã giải quyết trực tuyến mức độ 4. Các thủ tục còn lại đang khẩn trương được ngành công an cùng một số ngành liên quan hoàn thiện, bảo đảm đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 4 vào thời gian tới.
Hiện tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh đã thực hiện làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip. Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số người dân dùng CCCD gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh tăng dần. Thời gian tới, thẻ CCCD gắn chip được tích hợp nhiều loại giấy tờ sẽ giúp liên thông thông tin giữa các cơ quan chức năng và công khai, minh bạch hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế. Người dân cũng không phải lo bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ như trước đây.
Các chủ cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh cảm nhận rõ hơn hiệu quả từ việc giải quyết thủ tục thông báo lưu trú trực tuyến mức độ 4. Việc này giúp các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ trong tỉnh tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Thay vì phải lập danh sách khách đến lưu trú trong ngày rồi mang ra cơ quan công an cấp xã khai báo, hiện nhân viên cơ sở lưu trú chỉ cần sử dụng thông tin CCCD khai báo qua mạng. "Mỗi khi có khách đến lưu trú, nhân viên khách sạn chỉ mất khoảng một phút để khai báo trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Việc làm này giúp cơ sở tiết kiệm nhiều thời gian, nhân lực và cũng bảo đảm an ninh trật tự hơn", anh Lê Công Khiêm, kế toán của Khách sạn Purple Lotus Hải Dương (TP Hải Dương) cho biết.
Cần chủ động vào cuộc
Ngày 6.1.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án 06). Từ đó đến nay, Hải Dương nỗ lực vào cuộc, tạo nhiều chuyển biến trong cộng đồng, bước đầu thu được kết quả tốt.
Tuy nhiên, kết quả chưa được như kỳ vọng. Thời gian tới, để thực hiện tốt Đề án 06, cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã cần vào cuộc tích cực hơn nữa, nhất là Tổ công tác Đề án 06 ở các xã, phường, thị trấn. Trong đó, chú trọng vào công tác tuyên truyền các nội dung liên quan đến đề án. Tỉnh cần chủ động, sớm bố trí kinh phí cho các địa phương, đơn vị để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tốt nhiệm vụ. Các sở, ngành thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cần chủ động tham mưu, đề xuất với bộ, ngành của Trung ương để sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thông suốt trong toàn quốc... Thượng tá VŨ DƯƠNG TƯỜNG Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh |
Còn ít người sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Hiện nay, nhiều thủ tục công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh đã đi vào hoạt động nhưng chưa được người dân quan tâm, sử dụng. Thực trạng này có nhiều lý do. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều năm nay người dân đã quen dùng văn bản giấy, trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã phải tích cực hướng dẫn, vận động, tuyên truyền người dân khi nộp hồ sơ nên dẫn đến mất nhiều thời gian, người dân phải chờ đợi lâu. Cơ sở vật chất, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật tại bộ phận "một cửa" cấp huyện, cấp xã còn thiếu. Cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ cùng một lúc phải thực hiện khối lượng công việc lớn như hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý hồ sơ, kết quả trên nhiều hệ thống phần mềm... gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc.PHẠM SƠN TÙNG Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Tứ Kỳ
|
Sợ mất an toàn thông tin
Trước đây, tôi đều dùng văn bản giấy để đi làm các thủ tục hành chính. Giờ có nhiều thủ tục hành chính công trực tuyến yêu cầu kê khai, nộp tài liệu trên môi trường điện tử khiến tôi cũng như nhiều người dân khác không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Khi khai ở nhà cũng như đến bộ phận "một cửa" các cấp, nhiều khi đăng nhập vào tài khoản thường bị lỗi. Do đó, phải thao tác lại mất khá nhiều thời gian. Một số tờ khai điện tử đòi hỏi nhiều thông tin, cách sử dụng còn gây khó khăn cho những người chưa thông thạo về công nghệ thông tin như chúng tôi.
Ngoài ra, tôi cũng lo ngại khi sử dụng nhiều ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến có thể dẫn đến mất an toàn thông tin, nhất là đối với những giấy tờ quan trọng liên quan đến đất đai, cá nhân. Tôi mong cơ quan chức năng có hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả hơn để nhiều người dân biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, việc thiết kế các tài khoản, tờ khai cần đơn giản, thuận lợi hơn để người dân dễ cài đặt, đăng nhập, khai báo, theo dõi.
LÊ HUY HOÀNG (Đường Mai Hắc Đế, TP Hải Dương) |
TRUNG BIÊN