Hiện nay, giá rau xanh đang tăng từng ngày do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vì vậy, càng gần Tết Nguyên đán, rau xanh sẽ càng khan hiếm và đội giá lên cao.
Hiện nông dân chỉ bán rau đã đến lứa thu hoạch, còn lại vẫn găm hàng chờ giá cao hơn mới bán
Vựa rau Gia Lộc là nguồn cung cấp rau xanh tại chỗ chủ yếu cho người tiêu dùng trong tỉnh nhưng hiện tại, diện tích rau đến kỳ thu hoạch còn rất ít mà đa phần là rau mới trồng. Mọi năm, gia đình ông Nguyễn Thành Luân, ở xã Đoàn Thượng đều trồng 5 sào su hào, su lơ bán Tết, còn năm nay chỉ có hơn 1 sào su lơ. Ông Luân khẳng định: “Khoảng 10 ngày nay, rau xanh tăng giá chóng mặt, gia đình nào có rau bán Tết thì trúng to. Do giá rau thay đổi theo ngày nên nhiều tiểu thương nài nỉ đặt cọc trước để mua gần 2.000 cây su lơ xanh của nhà tôi mà không dám nhận”. Hiện giá bán cải bắp tại ruộng từ 6.000-6.500 đồng/kg, su hào từ 9.000-10.000 đồng/kg, su lơ từ 5.000-6.000 đồng/cây, các loại rau ăn lá từ 12.000-15.000 đồng/kg, đều tăng gấp đôi so với đầu tháng này. Với mức giá này, nông dân thu lãi trung bình từ 6-7 triệu đồng/sào. Theo dự báo, giá bán các loại rau sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những ngày áp Tết.
Tại vùng chuyên trồng su hào, su lơ của xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), thương lái cũng khó đặt mua được cả ruộng như trước. Vì giá tăng từng ngày và lượng rau còn lại ít nên nông dân muốn “găm" hàng để chờ thời điểm bán được lãi cao nhất. Ông Nguyễn Ngọc Khắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết: “Số lượng rau mà nông dân Hưng Đạo cung ứng cho thị trường Tết Kỷ Hợi chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, ngoài những diện tích đã đến thời vụ, bắt buộc phải thu hoạch thì tâm lý của người dân là giữ rau, không muốn bán buôn ngay cho tiểu thương. Từ đầu vụ tới nay, giá rau có nhiều biến động nhưng cũng chỉ ở mức trung bình và thấp. Nông dân rất phấn khởi vì rau tăng giá cao vào dịp Tết".
Ngoài các vùng trồng rau đại trà, các cơ sở sản xuất rau chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cũng trong tình trạng sốt giá, "cháy" hàng. Hơn 1 tuần nay, anh Nguyễn Anh Tuấn, ở xã An Lâm (Nam Sách) phải từ chối nhiều đơn hàng vì không đủ rau phục vụ khách. Có hơn 4 ha trồng các loại rau ăn lá như mồng tơi, cải ngọt, dền, cải cúc... theo hướng hữu cơ để cung cấp cho các bếp ăn tập thể trong tỉnh song hiện tại, trang trại của anh Tuấn chỉ bảo đảm được rau cho các hợp đồng mua dài hạn, còn những đơn hàng phát sinh dù giá trị cao cũng không có rau để cung cấp. Theo anh Tuấn, vụ đông xuân năm nay, thời tiết thất thường nên rau sinh trưởng, phát triển kém, nhất là khi trồng theo hướng hữu cơ. Do nguồn cung hạn chế nên giá bán tăng cao, thậm chí có thời điểm không có rau xuất bán. “Dù hiện nay, giá rau có lợi cho người sản xuất nhưng không vì thế mà tôi phá vỡ hợp đồng đã ký kết. Tôi vẫn bán rau theo giá đã thỏa thuận, tuy không cao theo thời điểm song ổn định về lâu dài”, anh Tuấn nói.
Lý giải về việc giá rau tăng liên tục trong thời gian gần đây, ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX Tân Minh Đức, ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho rằng đầu vụ người dân sản xuất và tiêu thụ rau không thuận lợi như năm trước. Rau vụ đông sớm thường mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong vụ nhưng nông dân được lãi thấp, còn lứa hai thì chỉ hòa vốn. Trong khi thời tiết bất lợi nên nhiều hộ đã bỏ trồng rau lứa tiếp theo. Khi rau lứa hai thu hoạch gần hết thì không có lứa rau gối kế tiếp. Điều này đã đẩy giá rau tăng đột biến, người trồng rau từ hòa vốn, thậm chí lỗ lại thu được lãi cao. “Thấy giá rau tăng, người dân lại đổ xô gieo trồng lại. Do rau lứa ba trồng muộn hơn từ 10-15 ngày so với lịch thời vụ nên sẽ không kịp bán vào dịp Tết mà phải ra giêng mới cho thu hoạch. Vì vậy, sau Tết khó tránh khỏi tình trạng rau xuống giá nhanh vì cung vượt cầu. Đây cũng là thời điểm người dân phải giải phóng đất để gieo cấy vụ xuân”, ông Mừng dự đoán.
Trong vụ đông xuân, toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha trồng rau các loại, tập trung ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành. Rau tăng giá vào thời điểm cận Tết là niềm vui của người trồng rau trong tỉnh nhưng cũng đặt ra những lo ngại trong điều tiết cung cầu và khuyến cáo người dân gieo trồng phù hợp ở từng thời điểm. Để bảo đảm lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, cơ quan chuyên môn cần có khuyến cáo kịp thời nhằm tránh tình trạng lúc thiếu, lúc thừa rau xanh.
DC