Khám phá từ chuyến đi tìm tài liệu cho cuốn sách

29/07/2018 15:22

Trong khi đi tìm tư liệu để viết sách về học giả Phạm Quỳnh, tôi khám phá được khá nhiều chi tiết thú vị. Tất cả những chi tiết này, tôi đã cho đăng trên tạp chí Xưa và Nay...

Bức hoành phi học giả Phạm Quỳnh cung tiến đình làng Nhân Vực

Viết sách đã khó, viết sách về nhân vật lịch sử có số phận phức tạp, nhạy cảm càng khó bội phần. Giống như kẻ lặn lội trong rừng đầy gai góc, chằng chịt dây dợ, nhưng bắt buộc phải vượt qua, người cầm bút cần có cái tâm, niềm tin sắt đá và một chút may mắn nào đó mới có thể thành công. Đó là trường hợp tôi đi tìm tài liệu để viết cuốn sách “Phạm Quỳnh - con người và thời gian” (Nhà xuất bản Thanh Niên in lần đầu năm 2010) sau này đã  tái bản 3 lần.

Năm 2008, sau khi cuốn “Nguyễn Tường Tam, Nhất Linh - ánh sáng và bóng tối” ra đời, Nhà xuất bản Thanh Niên đặt hàng và cấp giấy giới thiệu cho tôi đi thực tế để viết thêm một cuốn sách về học giả Phạm Quỳnh.

Đầu tiên, tôi tìm đến nhà riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên ở phố Vạn Bảo (Hà Nội). Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 ở Hà Nội, mới 2 tuổi đã theo cha mẹ vào Huế sinh sống, rồi lớn lên theo cách mạng, trở thành nhạc sĩ của nhân dân. Cha ông - học giả Phạm Quỳnh từng làm báo Nam Phong, rồi làm quan triều Nguyễn, sau đó mất tích sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Quê gốc ông ở làng Lương Ngọc, còn gọi là Hoa Đường, ở phủ Bình Giang…

Mùa hè năm 2009, tôi hăm hở cầm giấy giới thiệu về huyện Bình Giang để liên hệ sưu tầm tài liệu. Vị lãnh đạo của huyện tươi cười đón tiếp, cử cán bộ Phòng Văn hóa đưa tôi xuống làng Hoa Đường, xã Tráng Liệt, cố hương của cụ Phạm Quỳnh. Lúc chia tay ở cửa Văn phòng UBND huyện, ông còn dặn một câu tôi nhớ mãi: "Bác về quê hương chúng tôi sáng tác là quý lắm, nhưng viết về Phạm Quỳnh, bác phải cẩn thận đấy!”.

Nghe vậy, tôi cảm thấy như bị xúc phạm. Phải chăng ông ta chưa tin mình, hay là ông thấy Phạm Quỳnh là một nhân vật nhạy cảm không nên viết sách? Điều ấy càng làm tăng thêm quyết tâm của tôi.

Cũng may xuống xã Thúc Kháng, nơi cội nguồn của họ Phạm, tôi được ông Chủ tịch xã Nguyễn Đình Năng hồ hởi đón tiếp. Ông mời về nhà riêng, chuyện trò, trao đổi, còn tặng tôi một số tài liệu liên quan về lịch sử ngôi làng và dòng họ Phạm. Buổi trưa, tôi mang máy ảnh đi lang thang ghi những hình ảnh phong cảnh vùng quê cổ kính với nhiều sự tích như huyền thoại.

Hào hứng nhất là được chứng kiến khu lăng mộ cụ tú tài Phạm Hữu Điển, thân phụ của học giả Phạm Quỳnh, nằm ở phía tây làng. Năm 1932, Phạm Quỳnh vào Huế làm quan triều Nguyễn. Một lần về quê, ông đã cho xây lăng mộ phụ thân theo phong cách lăng mộ trong cố đô Huế. Giữa cánh đồng bằng phẳng, hai trụ trước mộ như hai cánh tay thẳng giơ lên trời. Trên trụ đều có những dòng chữ Hán do năm tháng bào gọt bây giờ không đọc được. 

Tôi rời Hoa Đường, trở ra Hà Nội, rồi tìm về làng Nhân Vực, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên), là quê bà Lê Thị Vân, vợ học giả Phạm Quỳnh. Được nhà thơ Nguyễn Thành là người địa phương ở gần đó kết bạn dẫn đường cùng nhau đi điền dã. Đó là tháng 9.2009.

Còn đang ngơ ngác ngắm ngôi đình cổ kính bên đường làng thì thấy mấy người đang đứng trước sân đình. Chúng tôi rẽ vào làm quen và tỏ bày ý định về đây tìm tài liệu cho cuốn sách. Thật may, mấy bác vui vẻ mở cửa đình mời vào nghỉ ngơi, trò chuyện.

Một cụ già trỏ lên chiếc hoành phi treo giữa gian đình bảo rằng: “Kỷ vật của cụ Phạm còn đây. Bức hoành phi này là của quan Thượng thư, ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh cung tiến đình làng đấy”. Các cụ kể rằng: Sau khi vào Huế làm quan, mùa đông năm Đinh Sửu (1937), với tư cách Ngự tiền văn phòng, Cơ mật đại thần kiêm Thượng thư Bộ học, Phạm Quỳnh đi kinh lý Bắc Hà. Ông đã tranh thủ về thăm quê vợ. Quan Thượng thư cũng là giai tế của làng, trịnh trọng cung tiến một đôi câu đối và bức hoành phi. Đôi câu đối đến nay đã hư hỏng, chỉ còn bức hoành sơn son thếp vàng với bốn chữ đại tự "Thông minh chính trực”. Bên phải bức hoành còn rõ dòng chữ Hán chạy dọc: Bảo Đại Đinh Sửu đông (mùa đông năm Đinh Sửu 1937, triều vua Bảo Đại). Bên trái có 2 dòng: "Tả đại học sĩ lãnh giáo dục Bộ Thượng thư sung Ngự tiền văn phòng Tổng lý cơ mật đại thần Phạm Quỳnh bái". Bức hoành phi có nội hàm thâm thúy: Thông minh và chính trực, đó là ước vọng của trí thức thời nào cũng vậy trên con đường học vấn để sau này nhập thế.

Cũng là số phận, do thiên định, suốt những năm chiến tranh, ngôi đình là kho tàng của quân đội, chẳng mấy người qua lại. Rồi hòa bình, kho tàng chuyển đi thì thế sự cũng đổi thay. Càng nghe chuyện, tìm hiểu, chúng tôi càng phát hiện ra nhiều điều thú vị. Bởi ở cái làng này còn lưu giữ nhiều kỷ vật của gia đình Phạm Quỳnh. Làng có chùa thờ Phật, nhưng ở trong chùa còn có một cái khám sơn son thếp vàng đã nhạt màu. Trong khám có bài vị gia tiên ông ký Lê Văn Hùng, nhạc phụ của Phạm Quỳnh. Bên ngoài khám còn đôi câu đối: "Bách thế bản chi bằng ấm tí/Ức niên hương hỏa tuỵ huân cao", tạm dịch "Trăm năm che chở cho con cháu/Muôn đời nghi ngút giữ khói hương".

Tôi thắc mắc vì sao khám thờ gia tiên cụ Lê Văn Hùng, nhạc phụ của Phạm Quỳnh lại yên vị nằm trong ngôi chùa ngần ấy năm thì được ông Đào Đình Khuynh, Trưởng Ban di tích lịch sử văn hóa đình Nhân Vực cho biết: Sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, gia đình con cháu ông Lê Văn Hùng vào Nam cả, nhà cửa ruộng vườn không có chủ. Khi cải cách ruộng đất năm 1955, chính quyền địa phương đã trưng thu. Ngôi nhà thì làm lớp học mẫu giáo, ruộng đất chia cho nông dân. Riêng cái khám thờ của gia đình không ai dám xâm phạm, đã khiêng vào đặt ở nhà chùa. Hơn nửa thế kỷ sau, chiếc khám thờ vẫn còn nguyên.

Cũng tại nghĩa trang nhân dân xã Nghĩa Trụ, còn có mộ hai cụ thân sinh và mộ người em ruột bà Lê Thị Vân. Không chỉ thế, tại nghĩa trang liệt sĩ của xã, có phần mộ của liệt sĩ Lê Thị Tâm, người em con cậu ruột của nhạc sĩ Phạm Tuyên. 

Tất cả những chi tiết này, tôi đã cho đăng trên tạp chí Xưa và Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), đến bấy giờ nhiều người mới biết, kể cả nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông thực sự xúc động và tìm về quê mẹ...

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khám phá từ chuyến đi tìm tài liệu cho cuốn sách