Sau khi bị ngập vào năm 1959, thành phố Thạch Thành của Trung Quốc cũng bị lãng quên. Các cuộc thám hiểm sau này phát hiện nó vẫn đẹp hoàn hảo dù bị chìm dưới nước 600 năm.
Thành phố dưới nước Thạch Thành, thường được gọi là "Atlantis của phương Đông", là một viên nang thời gian bí ẩn, tuyệt đẹp của Trung Quốc.
Truyền thuyết Atlantis được biết đến qua tác phẩm của nhà triết học Hy Lạp Plato (424-328 trước Công nguyên). Theo Plato, Atlantis là vương quốc hùng mạnh bị nhấn chìm chỉ trong một đêm, vào khoảng năm 9.600 trước Công nguyên.
"Atlantis của phương Đông" là một đô thị kiến trúc bằng đá được bảo tồn hoàn hảo từ triều đại nhà Minh và nhà Thanh, trị vì từ năm 1368 đến 1912, nằm dưới hồ Thiên Đảo 40m ở tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải 400km về phía nam.
Thạch Thành, trong tiếng Quan Thoại có nghĩa là "Thành phố sư tử", bị ngập lụt có mục đích vào năm 1959 để nhường chỗ cho đập Xin'an và cơ sở thủy điện liền kề.
Để thực hiện dự án, khoảng 300.000 người đã phải sơ tán, một số người trong số họ có gia đình đã cư trú ở đây trong nhiều thế kỷ.
Sau này, các cuộc thám hiểm và hình ảnh dưới nước cho thấy thành phố không lớn, nó có 5 cổng vào thay vì 4 cổng thông thường.
Các con đường rộng của thành phố bao gồm 265 cổng vòm với những tác phẩm bằng đá còn sót lại có hình sư tử, rồng, phượng và những dòng chữ lịch sử. Một số chữ khắc này có niên đại từ năm 1777.
Những bức tường ở thành phố được cho là đã được xây dựng vào thế kỷ 16.
Thạch Thành vẫn giữ vẻ đẹp tuyệt dù bị ngập nước. Trên thực tế, nước che chắn nó khỏi sự xuống cấp của gió, mưa và ánh nắng Mặt Trời.
Theo Tuổi trẻ