Khám phá đền Đươi

28/05/2016 10:33

Được xây dựng lần đầu từ thời Lý, mặc dù trải qua sự tàn phá của thời gian song đền Đươi ở thôn Cẩm Đới, xã Thống Nhất (Gia Lộc) vẫn lưu giữ được nhiều nét đặc sắc.



Năm 1925, đền Đươi được Toàn quyền Đông Dương quyết định xếp hạng di tích lịch sử

Di tích đền Đươi có khuôn viên khá rộng nằm giữa cánh đồng với nhiều hạng mục kiến trúc nổi bật. Sau tam quan, công trình đền thờ chính hiện ra với 5 gian tiền tế quay mặt về hướng đông kết cấu theo kiểu con chồng đấu sen. Trước tiền tế có đôi nghê đá thế kỷ 17 độc đáo nằm phủ phục. Trên kết cấu gỗ có các bức cốn chạm long quần, mang đặc trưng kiến trúc nghệ thuật thời Lê. Gian chính giữa có bức cửa võng sơn son thếp vàng với bức đại tự lớn đề 4 chữ “Động thiên chí lý” (Động của trời). Phía trong cung cấm là khảm thờ đặt tượng Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan được tạo tác trong tư thế ngồi, nét mặt phúc hậu, quyền quý. Cạnh đền là ngôi chùa cổ với hệ thống tượng pháp hàng trăm năm tuổi...

Về đền Đươi có thể bắt gặp rất nhiều cổ vật xưa. Nổi bật là một số gạch hoa thời Lý tìm thấy trong quá trình khai quật tại công trình, nghê đá thời Lê, bát hương đá, kiến trúc đầu rồng thời Lý bằng đất nung độc đáo. Ngoài ra còn có 4 bộ kiệu, 1 long đình, 4 ngai thờ thành hoàng làng, 1 bộ bát biểu, 2 đôi câu đối, 1 bát hương đồng. Khuôn viên đền Đươi có hàng chục cây quéo cổ thụ có độ tuổi từ 300-700 năm.

Theo thần tích đền Đươi, khi đất nước thanh bình, dưới sự phù giá của quan nội thần Lý Đạo Thành, Vương mẫu Ỷ Lan tới địa phận thôn Cẩm Đới thấy có một gò đất cao, một bên là sông nước, một bên là đồng ruộng bằng phẳng, phong cảnh hữu tình liền dừng thuyền rồng lên vãn cảnh. Lý Đạo Thành cho quân vào làng, huy động nhân dân mang tre, lá dựng hành cung rước bà vào nghỉ. Dân làng cử các vị bô lão đến hành cung vấn an, được bà hỏi han tình hình rồi ban tiền vàng mua ruộng, tu sửa đền chùa, miếu mạo địa phương. Sau khi Vương mẫu Ỷ Lan mất, nơi hành cung bà dừng chân đã được nhân dân xây dựng thành nơi thờ tự lấy tên đền Đươi. Các triều đại sau đều có sắc phong và ban phát tiền của để tu tạo. Theo nhân dân địa phương, từ khi lập dựng, đền đã có kiến trúc nguy nga tráng lệ. Trải qua sự vần vũ của thời gian cùng nhiều lần trùng tu, kiến trúc còn giữ được ngày nay của ngôi đền thuộc cuối thế kỷ 17.

Hằng năm vào ngày 25-7 âm lịch, nhân dân mở lễ hội linh đình kỷ niệm ngày mất của bà. Với những giá trị độc đáo, năm 1925, Toàn quyền Đông Dương đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử cho đền Đươi. Năm 1992, công trình đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trải qua hơn 900 năm, nay về đền Đươi vẫn còn nhiều dấu tích xưa. Các cuộc khảo cổ học tại đây đều phát hiện các dấu tích xây dựng từ thời Lý. Chỉ ra cánh đồng trước cửa đền, ông Phạm Tiến Diến, thủ nhang đền cho biết: Vì đền trước vốn là hành cung nơi Vương mẫu Ỷ Lan nghỉ ngơi nên xung quanh đây có rất nhiều địa danh gắn với sự kiện đó. Xa kia là Đống Lính, Đống Quân thần nơi văn võ bá quan đóng trại. Trước đền là Đống Tờ chỉ nơi các quan dâng biểu tấu trước khi vào hành cung. Cánh đồng phía trước đền rộng chừng 30 mẫu là nơi thả và đua ngựa. Xưa đường dẫn vào đền còn có cầu Bạch làm bằng đá trắng. Thế nhưng đến nay tất cả các dấu tích trên đã bị người dân san lấp làm ruộng cấy hoặc nhà ở.

Mặc dù kiến trúc độc đáo nhưng đền Đươi đang bị xuống cấp. Phần gỗ đỡ mái hiên bị mối mọt nham nhở, có chỗ mục ruỗng khiến mái ngói toà thượng điện bị kéo sụt lõm. Bên trong tòa thượng điện, các xà đỡ, vì kèo cũng có hiện tượng mục và mối. Ông Phạm Văn Vinh, Trưởng thôn Cẩm Đới cho biết: Mỗi khi trời mưa, thượng điện lại bị dột, ướt hết đồ thờ tự. Cách đây 4 năm, công trình mới được đầu tư 100 triệu đồng thay thế một vài xà, vì kèo hỏng. Đến nay, những xà, vì kèo được thay mới đó cũng đã bị mối xông. Phần trung từ và hậu cung nhiều cấu kiện gỗ bị mối xông chằng chịt. Nền hậu cung bị hỏng, tường nứt vỡ. Mộng, khớp nối các đồ thờ tự, các cỗ ngai, kiệu, khám thờ đã bị long. Sự xuống cấp của đền Đươi đã được địa phương báo cáo lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Mong muốn nhất của địa phương là được cấp trên đầu tư kinh phí cùng nguồn xã hội hóa để tu bổ lại các hạng mục đã bị xuống cấp.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khám phá đền Đươi