8 giờ sáng 22.12, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông (TP Hải Dương), HĐND tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2016-2021) khai mạc Kỳ họp thứ 15.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy; trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV ứng cử trên địa bàn Hải Dương; đại diện lãnh đạo một số vụ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI.
Kỳ họp lần này sẽ tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020 và 5 năm 2016-2020, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch 5 năm 2021-2025; kết quả đầu tư công năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, phương án đầu tư công giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phân bổ ngân sách năm 2021, kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt chống dịch Covid-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong tỉnh.
Các đại biểu dự kỳ họp
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong phát triển KTXH năm 2020. Đó là có 5 trong 16 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Thu ngân sách địa phương giảm nhiều so với năm 2019. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn. Môi trường đầu tư chưa được cải thiện đáng kể. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, có một số dự án phải điều chuyển nguồn vốn. Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại khu vực nông thôn chưa có biện pháp giải quyết đồng bộ và hiệu quả. Việc xã hội hoá dịch vụ công và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập. Giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính chưa đồng bộ. Việc giải quyết đơn thư ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn chậm, chất lượng giải quyết chưa cao dẫn đến tình trạng gửi đơn vượt cấp, kéo dài vẫn diễn ra...
Khẳng định khối lượng công việc của Kỳ họp lần thứ 15 rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, tranh luận, trao đổi thẳng thắn, làm rõ những vấn đề hạn chế, bất cập và bức xúc, kéo dài trong phát triển KTXH của tỉnh; quyết nghị những vấn đề trọng tâm, thiết thực bảo đảm đúng quy định pháp luật, sát tình hình thực tiễn và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2020), 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2020), đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển chúc các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng quân đội, cựu chiến binh tỉnh cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công, tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh (xem toàn văn bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh).
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đọc Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025
8 giờ 20, ngay sau phát biểu khai mạc của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Theo báo cáo, trong 5 năm qua (2016-2020), tỉnh đã giành được những kết quả quan trọng và khá toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 trong tổng số 18 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm đã đề ra. UBND tỉnh cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong 5 năm tiếp, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 9% trở lên. UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành chủ động thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch Covid-19 để sớm hồi phục và lấy lại đà phát triển kinh tế, tạo bước đột phá trong thực hiện cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng (Chuyển nhanh từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu).
Đồng chí Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và kế hoạch phát triển KTXH năm 2021
8 giờ 50, đồng chí Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và kế hoạch phát triển KTXH năm 2021.
Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống nhưng KTXH của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan. Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng chống dịch. Hiện dịch Covid-19 trong tỉnh đã được kiểm soát tốt. Tỉnh ta thực hiện đạt và vượt 11 trong 16 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Năm 2021, tỉnh ta xác định mục tiêu tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH. Tỉnh xác định 14 chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu thực hiện trong năm 2021 (Thực hiện tốt mục tiêu kép trong phát triển kinh tế-xã hội).
Đồng chí Nguyễn Đình Kiêm, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đọc Tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016-2020 và dự kiến phương án kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 của tỉnh
9 giờ, Ủy viên UBND tỉnh,Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đình Kiêm báo cáo các tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; Quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Về định hướng đầu tư công 5 năm 2021-2025, UBND tỉnh đề xuất phải phù hợp với các định hướng, mục tiêu phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, định hướng cơ cấu lại đầu tư công đến năm 2025... Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu đầu tư 5 năm 2021-2025, nhu cầu vốn ngân sách địa phương (NSĐP) nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 đầu tư cho 234 chương trình, dự án khoảng 26.445 tỷ đồng (Đề nghị dừng thực hiện 6 dự án).
Tỉnh tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; dự án trọng điểm; chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh nguồn nước... (Ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng điểm).
Đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính đọc Tờ trình về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2021
10 giờ, đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính báo cáo các tờ trình về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2021; Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2021-2023; Quy định một số cơ chế đặc thù về tài chính tạo động lực phát triển cho TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước trong tỉnh năm 2020 ước đạt 16.221 tỷ 605 triệu đồng, bằng 89,6% dự toán (ngân sách địa phương được hưởng 12.554 tỷ 607 đồng). Trong đó, thu nội địa ước đạt 13.659 tỷ đồng, hoàn thành 100,1% dự toán Trung ương và tỉnh giao, bằng 85% so với thực hiện năm 2019.
Có 13 trong tổng số 16 khoản thu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán đầu năm. 3 khoản hụt thu nội địa là: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương; thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; thu tư khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Hụt thu thường xuyên cân đối ngân sách địa phương 1.754,304 tỷ đồng (hụt 17% dự toán).
Năm 2021, để tiết kiệm, bảo đảm cân đối ngân sách, dự toán chi năm 2021 tiếp tục gắn với lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính; khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, tinh giản biên chế nhanh hơn lộ trình để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Không bố trí nguồn để bố trí các chính sách phát sinh tăng thêm năm 2021. Thực hiện tiết kiệm 20% chi thường xuyên (tăng thêm 10% so với năm 2020 ngoài các khoản để tạo nguồn cải cách tiền lương; các khoản chi tiền lương; các khoản thu nhập có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ)...(Thu ngân sách gặp khó).
Về Kế hoạch tài chính - ngân sách địa phương 3 năm tỉnh giai đoạn 2021-2023, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu chi cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn lực chi trả nợ, chi các đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, tăng chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023. Từng bước cơ cấu lại ngân sách theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển KTXH, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện huy động, phân bổ, sử dụng nguồn nhân sách theo các ưu tiên chiến lược của địa phương; phân cấp phù hợp giữa tỉnh, huyện, xã, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh; thực hiện thu, chi, nợ công theo đúng dự toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách.
Theo Tờ trình Quy định một số cơ chế đặc thù về tài chính tạo động lực phát triển cho TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn (giai đoạn 2021 - 2025) được trình bày tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết cho phép TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn được kéo dài thời hạn áp dụng thực hiện một số cơ chế đặc thù về tài chính theo Nghị quyết số 99/2014/NQ-HĐND ngày 11.12.2014 của HĐND tỉnh khoá XV; Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 13.12.2018 của HĐND tỉnh khoá XVI sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 99/2014/NQ-HĐND Quy định một số cơ chế đặc thù về tài chính đối với TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn.
UBND tỉnh đề nghị phân chia về ngân sách của TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn 100% các khoản thu từ đất của các dự án trên địa bàn TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn và các khoản thu từ đất chuyên dùng, đất đô thị (bao gồm cả đất dôi dư, đất xen kẹt) do TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn quản lý thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, tờ trình còn nêu một số cơ chế tài chính khác. Thời gian áp dụng từ ngày 1.1.2021 đến hết ngày 31.12.2025.
Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vũ Hồng Khiêm đọc Tờ trình về hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội
10 giờ 35,Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Hồng Khiêm đọc Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) và hỗ trợ bổ sung mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đây là năm đầu tiên UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua nghị quyết hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Các trường hợp được đề nghị hỗ trợ gồm: Người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu thụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT); người thuộc hộ cận nghèo; người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định tham gia BHYT tại cơ quan BHXH trong tỉnh; người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại cơ quan BHXH trong tỉnh (Đề nghị hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo, cận nghèo).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Đức Tuấn đọc Báo cáo tình hình, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh tại kỳ họp
10 giờ 50, đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đọc Báo cáo tình hình, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân nhân dân trên địa bàn tỉnh (Trước Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI: Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề).
Giám đốc Công an tỉnh Lê Ngọc Châu đọc Báo cáo tình hình, kết quả công tác bảo vệ an ninh trật tự năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021
11 giờ 4, đại tá Lê Ngọc Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đọc Báo cáo tình hình, kết quả công tác bảo vệ an ninh trật tự năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Năm 2020, công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp, truy nã tội phạm thu được nhiều kết quả quan trọng. Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm 6,22%. Điều tra, khám phá án đạt 87,4%, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,4%. Nhiều vụ án lớn được triệt phá (Đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm). Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.
11 giờ 21, kết thúc phiên làm việc buổi sáng. Buổi chiều, Kỳ họp tiếp tục làm việc.
NHÓM PV