Sáng nay 15.4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII khai mạc Hội nghị lần thứ 10.
Nghe phát biểu khai mạc của đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Hội nghị lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến về Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị cũng sẽ nghe báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và xem xét một số nội dung quan trọng khác.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị
7 giờ 35: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu khai mạc hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định tỉnh đang đi đúng hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Với chủ đề hành động của năm 2022 là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” cùng với thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, thời gian qua tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rất tích cực với nhiều điểm sáng, củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về khả năng phục hồi của nền kinh tế. Quý I.2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 14,1%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 5.830 tỷ đồng, đạt 39,4% dự toán năm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các đại biểu dự hội nghị
Khẳng định những nội dung thảo luận tại hội nghị lần này rất quan trọng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đề nghị các đại biểu làm việc tập trung, tích cực tham gia nhiều ý kiến bổ ích, ngắn gọn; thể hiện sự đổi mới, dân chủ trong sinh hoạt cũng như trách nhiệm và vai trò đóng góp của mỗi đồng chí trên cương vị công tác của mình. (Kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến rất tích cực với nhiều điểm sáng)
7 giờ 40: Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030".
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030"
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu tổng quát là phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hải Dương bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Phấn đấu đào tạo lực lượng lao động có trình độ, có kỹ năng, kỹ thuật, tác phong công nghiệp, văn hóa và ý thức kỷ luật cao để xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 33%. Có 20-25% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được đào tạo nghề song song với học văn hóa. 30-35% số học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Phấn đấu quy mô tuyển sinh đại học và trên đại học của tỉnh đạt 25.000 sinh viên. Quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt 192.100 người; ít nhất 85% số người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Cơ cấu lao động đến năm 2025: nông, lâm nghiệp và thủy sản là 19%; công nghiệp - xây dựng 50,5%; dịch vụ 30,5%. Lực lượng lao động phổ thông, lao động giản đơn trong doanh nghiệp còn dưới 65%...
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII
Cùng với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, mang tính chất vĩ mô, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất nhiều cơ chế cụ thể hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như hỗ trợ các trường cao đẳng, trung cấp công lập đào tạo các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao; hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại đối với học sinh, sinh viên, người lao động có nhu cầu hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại thông qua hình thức đặt hàng đào tạo; hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với học sinh tốt nghiệp THPT khi doanh nghiệp đặt hàng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ cho công nhân, lao động trong doanh nghiệp... (Nhiều cơ chế hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực)
8 giờ: Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 – NQ/TW, ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 – NQ/TW, ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thẳng thắn đánh giá, chỉ rõ một số hạn chế trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của tỉnh. Đó là tỷ lệ đô thị hoá đến hết năm 2021 của tỉnh vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định trong giai đoạn tới, đô thị hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng cho tỉnh Hải Dương phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng “quy hoạch treo”, cơ chế “xin cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Phát triển hệ thống đô thị bền vững phù hợp với quy hoạch, chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại - bền vững. Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. (Kiên quyết xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm” trong công tác quy hoạch)
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đọc báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
8 giờ 10: Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đọc báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
8 giờ 20: Hội nghị giải lao. Sau đó các đại biểu chia thành 4 tổ thảo luận. Dự kiến chiều nay hội nghị sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường và bế mạc.
PV