Nhiều cơ chế hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

15/04/2022 07:45

Thông tin trên được nêu trong dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030".

>>> Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII​

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030".

Sáng 15.4, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trình dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030".

Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 33%

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hải Dương bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Phấn đấu đào tạo lực lượng lao động có trình độ, có kỹ năng, kỹ thuật, tác phong công nghiệp, văn hóa và ý thức kỷ luật cao để xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 33%. Có 20-25% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được đào tạo nghề song song với học văn hóa. 30-35% số học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Phấn đấu quy mô tuyển sinh đại học và trên đại học của tỉnh đạt 25.000 sinh viên. Quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt 192.100 người; ít nhất 85% số người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Cơ cấu lao động đến năm 2025: nông, lâm nghiệp và thủy sản là 19%; công nghiệp - xây dựng 50,5%; dịch vụ 30,5%. Lực lượng lao động phổ thông, lao động giản đơn trong doanh nghiệp còn dưới 65%...

Ưu tiên hỗ trợ ngành nghề trọng điểm, chất lượng cao

Cùng với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, mang tính chất vĩ mô, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất nhiều cơ chế cụ thể hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tỉnh sẽ hỗ trợ các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc tỉnh quản lý được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn ngành, nghề trọng điểm; được ưu tiên đầu tư theo chỉ tiêu trường chất lượng cao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung, mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Cao đẳng nghề Hải Dương để trở thành trường cao đẳng chất lượng cao. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Cao đẳng Y tế, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch đối với những ngành nghề trọng điểm.

Hải Dương sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại đối với học sinh, sinh viên, người lao động có nhu cầu hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại thông qua hình thức đặt hàng đào tạo. Đối với đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28.9.2015 của Chính phủ. Đối với đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách hằng năm theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP và Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao trong doanh nghiệp

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với học sinh tốt nghiệp THPT khi doanh nghiệp đặt hàng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khi doanh nghiệp đặt hàng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì người học sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp. Dự kiến ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% nhưng không vượt quá định mức phân bổ chi ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Doanh nghiệp hỗ trợ 30% mức chi phí đào tạo thực tế đối với người học, người học chi trả 40% số chi phí đào tạo.

Hằng năm, tỉnh cũng sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp để hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ cho công nhân, lao động trong doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao trong doanh nghiệp. Đối với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nhà giáo được cử đi đào tạo sau đại học, tỉnh tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND, ngày 11.7.2019 của HĐND tỉnh Hải Dương về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều cơ chế hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực