Giáo dục và đào tạo

Hải Dương thiếu thiết bị dạy học theo chương trình mới

THẾ ANH 15/09/2024 11:00

Dù đã bước sang năm cuối cùng thực hiện thay sách giáo khoa nhưng các trường ở Hải Dương vẫn thiếu thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt thích ứng.

da1dd7da-4391-45e3-b62a-bc780cdf9464(1).jpeg
Giáo viên Trường Tiểu học Phúc Thành (Kim Thành) thiết kế nhiều thiết bị dạy học tự tạo để dạy học sinh

Tự thiết kế thiết bị dạy học

Tại một tiết học ở Trường Tiểu học Phúc Thành (Kim Thành), học sinh hào hứng với mô hình lọc nước do cô giáo Nguyễn Thị Thuận tự thiết kế.

Học sinh lần lượt múc nước đổ vào bình lọc nước “mini” và tìm hiểu quy trình lọc nước dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Em Nguyễn Việt Anh, học sinh Trường Tiểu học Phúc Thành cho biết: “Em rất thích học với các mô hình tự tạo của cô giáo. Qua các mô hình giúp chúng em dễ hiểu, dễ hình dung và nhớ kiến thức hơn”.

Cô giáo Thuận cho biết trước đó dạy lý thuyết hoặc sử dụng ti vi để chiếu hình ảnh, video máy lọc nước nhưng học sinh vẫn cảm thấy khó hiểu. Cô Thuận đã mày mò thiết kế mô hình lọc nước bằng cách sử dụng bình nước uống để làm thiết bị dạy học.

“Mỗi học sinh được giao từng nhiệm vụ chuẩn bị nước, sỏi, than cho vào bình để thực hiện quy trình lọc nước nên lĩnh hội kiến thức nhanh hơn, đúng với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, phát huy được phẩm chất, năng lực của các em”, cô giáo Thuận nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Thành cho biết mô hình bình lọc nước chỉ là một trong nhiều đồ dùng tự tạo mà giáo viên kỳ công thiết kế. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, để thực sự hiệu quả vẫn cần có thiết bị dạy học theo danh mục Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Tương tự, tại một tiết học ở Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương), chỉ với những tấm bìa giản đơn, được thiết kế nhiều màu sắc đã giúp bài học về các nguyên tố hoá học trở nên thú vị hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Hiệp, giáo viên Trường THCS Tân Bình cho biết đã tự thiết kế bảng nguyên tố hoá học để dạy học sinh. Hình ảnh trực quan sinh động giúp các em dễ hiểu hơn.

“Môn khoa học tự nhiên được cấu thành từ 3 môn vật lý, hoá học, sinh học. Muốn tổ chức dạy học tốt phải có các trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Vì chưa được trang cấp thiết bị nên các giáo viên khắc phục bằng cách đẩy mạnh khai thác công nghệ thông tin vào dạy học, làm đồ dùng dạy học, tận dụng lại thiết bị cũ, các thí nghiệm trên internet…”, cô Hiệp nói.

Cô giáo Vũ Thị Thuỳ Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Bình cho biết trong khi chờ được cung ứng thiết bị dạy học theo chương trình mới, hằng năm nhà trường đều cố gắng cân đối kinh phí để tự mua sắm những thiết bị mà giáo viên không thể thiết kế được. Các phòng học đều được bố trí máy chiếu, ti vi để hỗ trợ giáo viên giảng dạy. “Chúng tôi luôn nỗ lực khắc phục, không thể để giáo viên, học sinh dạy và học chay được”, cô Hương nói.

Cần sớm cung ứng thiết bị

c51e0aab-01e4-4576-be91-34aabf845776(1).jpeg
Một tiết học của học sinh Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cũng đã chỉ đạo giải pháp trước mắt các cơ sở giáo dục tự chế tạo sản phẩm, tạo mẫu, dựng mô hình thực hiện thí nghiệm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng thiết bị cũ… để khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy học.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, các trường đều thực hiện tốt việc bồi dưỡng chuyên môn theo các mô đun; tận dụng tối đa trang thiết bị dạy học hiện có, sử dụng trang thiết bị cũ còn phù hợp để giảng dạy; linh động sử dụng máy tính cá nhân để tải trên mạng internet những hình ảnh minh họa gần gũi, thiết thực với học sinh; chủ động tự làm tranh ảnh, đồ dùng, mẫu vật... đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô giáo Mạc Thị Trang, giáo viên khoa học tự nhiên Trường THCS Phạm Sư Mạnh (Kinh Môn) cho biết do chưa được cấp thiết bị dạy học theo quy định nên các giáo viên đang phải tự xoay xở làm thiết bị. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên thêm áp lực công việc, học sinh thiệt thòi và chất lượng giáo dục ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi mong sớm được trang cấp thiết bị dạy học để giáo viên và học sinh bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất”, cô giáo Trang chia sẻ.

Được biết, tỉnh đã bố trí nguồn vốn hơn 204 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học theo chương trình mới. Tuy nhiên, việc mua sắm gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, hiện mới trang cấp được thiết bị dạy cho lớp 1, các lớp còn lại chưa có. Việc mua sắm gặp khó khăn do liên quan đến nhiều vấn đề như xây dựng dự toán mua sắm thiết bị, thẩm định giá xác định giá gói thầu... Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thẩm định giá vi phạm do liên quan đến đấu thầu trang thiết bị giáo dục, y tế... nên các đơn vị thẩm định giá có tâm lý thận trọng, dừng hoạt động.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã có thông báo đăng tải công khai việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị dạy học nhưng ít đơn vị gửi hồ sơ. Mặt khác, các văn bản quy định về đấu thầu đều mới ban hành nên việc tìm hiểu, nắm bắt các quy định về đấu thầu của chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan còn hạn chế dễ xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, giá trị gói thầu mua sắm thiết bị rất lớn, theo hạn mức quy định của Luật Đấu thầu mới thì việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị rất phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Với thực tế trên, việc triển khai mua sắm thiết bị cần được xem xét kỹ càng, thận trọng, bảo đảm quy định nhưng cũng cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

THẾ ANH
(0) Bình luận
Hải Dương thiếu thiết bị dạy học theo chương trình mới