Chỉ còn vài tuần nữa là bước sang năm 2020, thời điểm để suy nghĩ về những thói quen tiền bạc chưa tốt năm qua và cải thiện trong năm tới.
Dưới đây là một số thói quen chưa tốt về tài chính mà nhiều người thường có và kế hoạch để thay đổi trong năm mới gần đến.
Bỏ không tài khoản ngân hàng và những ứng dụng ít dùng đến
Một trong những điều mà nhiều người có tình trạng chung, đó là bỏ không tài khoản ngân hàng và bị trừ phí dịch vụ hàng tháng. "Tôi có một tài khoản ngân hàng lập từ cách đây mấy năm nhưng gần đây không sử dụng đến. Ngân hàng có nhắn tin yêu cầu tôi thực hiện giao dịch để kích hoạt lại tài khoản sau nửa năm không hoạt động. Tôi nộp tiền vào và ngay sau đó bị trừ hơn 500.000 đồng tiền phí duy trì tài khoản và phí dịch vụ trong thời gian không sử dụng vừa qua. Thậm chí khi ra ngân hàng đóng tài khoản, tôi còn phải nộp thêm tiền phí", anh Thắng, (Hà Nội) cho biết.
Nhiều người cũng không để ý rằng họ đã tự động gia hạn đăng ký ứng dụng hay website không sử dụng thường xuyên. Họ lãng phí một khoản tiền vì bỏ qua các email nhắc nhở thay đổi chính sách và thu phí tự động với các tài khoản từng đăng ký. Vì vậy, trong năm tới, hãy đóng tài khoản hoặc tắt chế độ tự động gia hạn đối với những dịch vụ ít hoặc không còn sử dụng.
Ngại nói "không"
Bạn ngại từ chối những lời mời của bạn bè tụ tập tốn kém hoặc không nỡ khước từ chuyến du lịch của đám bạn? Điều đó một phần khiến cho mục tiêu tài chính của bạn năm qua không đạt được?
Bạn nên học cách nói không với người khác và bản thân mình nhiều hơn. Thậm chí, trong năm tới, hãy đặt ra một tháng nói không với chi tiêu, điều này sẽ giúp bạn nhìn nhận lại thói quen tiêu xài trước đây, từ ăn uống cho đến mua những món đồ nhỏ hay những quyển sách đắt tiền, hoặc chi tiêu một cách không cần thiết cho những ngày cuối tuần.
Tiết kiệm chi tiêu cho mục tiêu tài chính cá nhân |
Phá vỡ ngân sách
Vấn đề lớn nhất của bạn năm vừa rồi là không chi tiêu theo đúng kế hoạch đã đặt ra? Bạn lên ngân sách cho các khoản chi phí cố định và chi phí khác, tuy nhiên cứ đến kỳ nghỉ hay ngày lễ mua sắm, mọi thứ lại rối tung.
Nếu vậy, hãy dành thời gian lập một quỹ riêng dành cho việc mua sắm trong kỳ nghỉ và chi tiêu trong năm tới, để vừa có thể mua sắm trong dịp giảm giá, vừa tuân thủ đúng mục tiêu tiền bạc đề ra.
Không có khoản tiền dự trữ cho khẩn cấp
"Tôi làm công việc văn phòng và có mức lương hàng tháng đủ tiêu xài, một khoản đầu tư vào chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó công việc không thuận lợi nên tôi đã nghỉ việc và trong mấy tháng liền chưa tìm được công việc mới. Do không có khoản tiền dự trữ trong tình huống khẩn cấp, tôi đành phải rút khoản đầu tư để trang trải chi phí. Điều đó để lại cho tôi một bài học. Vì vậy, trong năm tới, tôi sẽ cần một khoản tiết kiệm cho những tình huống như vậy", chị Hằng (Hà Nội) chia sẻ.
Theo VnExpress