Chiều 25/10, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, với 470/472 phiếu tán thàn).
Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố đã đánh giá khách quan, trung thực về kết quả đạt được trên các lĩnh vực của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đây không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá, mà còn là gửi gắm kỳ vọng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri đối với các bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian tới.
Đánh giá khách quan, công tâm
Đánh giá cao việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành một trong những công việc rất quan trọng là thực hiện quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị và thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết số 96).
"Trên cơ sở kết quả đã được công khai, có thể nói, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá rất công tâm, khách quan đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn; sát với quy định tại Nghị quyết số 96 đặt ra", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, đánh giá của các đại biểu Quốc hội đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn không chỉ dựa trên báo cáo kết quả công tác mà còn dựa trên rất nhiều kênh khác nhau, đặc biệt qua các thông tin tìm hiểu của từng đại biểu.
Về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng: "Các ngành, lĩnh vực trực tiếp tác động đến đời sống của người dân, doanh nghiệp như khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, công thương... có nhiều “phiếu tín nhiệm thấp” chứng tỏ đây là những lĩnh vực người dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm, đòi hỏi phải có những nỗ lực hơn nữa để khắc phục và đáp ứng yêu cầu của nhân dân và cử tri".
Đánh giá cao kết quả bỏ phiếu lần này, đại biểu cho rằng, kết quả đã phản ánh đúng những nỗ lực của 44 cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm, bởi sau hai năm ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết quyết liệt hơn.
"Kết quả này sẽ tác động tới công tác điều hành của các Tư lệnh ngành từ nay đến cuối nhiệm kỳ", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Tiếp tục nâng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành
Đồng quan điểm về tỷ lệ “phiếu tín nhiệm thấp” của một số Bộ trưởng, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng, kết quả này "hoàn toàn khách quan".
Theo đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương mới đảm nhận cương vị "Tư lệnh" của một ngành "nóng" và đến nay, đạt được thành tựu như vậy, Bộ trưởng đã có sự cố gắng rất lớn. "Qua đợt lấy phiếu tín nhiệm này, các Bộ trưởng, Trưởng ngành cần tiếp tục nâng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành để đáp ứng sự kỳ vọng của người dân, cử tri, các đại biểu Quốc hội", đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh), nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được đánh giá là một nhiệm kỳ đổi mới và có nhiều sự thay đổi tích cực.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố là kết quả khách quan, trung thực trên các lĩnh vực của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là dịp để những người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, cũng như tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực được phụ trách để nỗ lực hơn trong thời gian tới.
"Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm này, nhân dân và các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc các “Tư lệnh” giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nói.
Theo báo Tin tức