Từ 16 giờ hôm nay 24/10, Quốc hội sẽ bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn.
Theo chương trình phiên họp, từ 16 giờ hôm nay, Quốc hội sẽ nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Tiếp đó các đại biểu sẽ thảo luận ở đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Trong ngày thứ tư (25/10), buổi sáng Quốc hội sẽ lấy phiếu bằng bỏ phiếu kín. Kết quả được công bố vào chiều cùng ngày.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được tiến hành theo nghị quyết 96.
Cụ thể gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Vì vậy Quốc hội kỳ này sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 nhân sự mới được bầu, phê chuẩn trong năm 2023: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Ông Tuấn Anh thông tin thêm đã nhận đầy đủ báo cáo công tác từ đầu nhiệm kỳ, bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Mỗi đại biểu Quốc hội cần hết sức công tâm, khách quan
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nêu rõ lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động thường kỳ của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội và đã được quy định.
Bà nói hiện nay đã giữa nhiệm kỳ và đây là thời điểm rất cần thiết để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với các chức vụ, người do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Theo bà Nga, đối với những người được lấy phiếu, đây là lúc để tự mình đánh giá lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ như thế nào và nhìn lại những ưu điểm, hạn chế để có nỗ lực khắc phục trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Đồng thời cũng là một việc nhằm động viên, khích lệ họ.
Với đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND, hoạt động này cũng thể hiện rõ trách nhiệm giám sát của cơ quan dân cử.
Để hoạt động này đạt hiệu quả, thực chất, bà Nga nhấn mạnh đòi hỏi mỗi đại biểu phải giám sát, theo dõi rất kỹ hoạt động của các ngành, lĩnh vực, “tư lệnh” ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Đồng thời cũng phải theo dõi rất kỹ các báo cáo, kê khai tài sản, vấn đề nêu gương của mỗi người được lấy phiếu và quan trọng hơn cũng phải lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân.
"Một điều rất cần thiết đó là với những người được lấy phiếu nếu không nhận được số phiếu tín nhiệm cần thiết dứt khoát phải bị điều chuyển sang công tác khác. Không thể để họ tiếp tục ở cương vị đó.
Bên cạnh đó với việc lấy phiếu tín nhiệm này, điều vô cùng quan trọng, quyết định chính là mỗi đại biểu Quốc hội cần hết sức công tâm, khách quan, trách nhiệm, không nghiêng về bất cứ bên nào khi đánh phiếu đối với mỗi chức danh được lấy phiếu", bà Nga nêu rõ.
Theo Tuổi trẻ