Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ nội dung bí mật Nhà nước

03/07/2023 19:19

Theo nghị định quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định 43 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15.8.

Đáng chú ý, tại Điều 48 của Nghị định nêu rõ: "Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật Nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai".


Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Liên quan đến hình thức công khai kết luận thanh tra, Chính phủ yêu cầu việc đăng tải công khai kết luận thanh tra trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

Ngoài ra, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức sau:

"Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Thời gian thông báo trên báo in, báo nói, báo hình ít nhất là 2 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục", nghị định nêu rõ.

Nghị định cũng quy định việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản hoặc không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản.

Dấu hiệu tẩu tán tài sản gồm: Thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; Có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; Có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán.

Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định phong toả tài sản của đối tượng thanh tra khi có căn cứ. Quyết định phong tỏa tài khoản được gửi cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi đối tượng thanh tra có tài khoản.

Chính phủ cũng đưa ra quy định trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi ngay tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra khi có căn cứ rõ ràng về hành vi vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình, chủ động nộp lại tiền tài sản đã chiếm đoạt, sử dụng trái phép.

Khi đó, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra. Nếu tài sản là bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước thu hồi theo thẩm quyền. Tài sản là động sản và giấy tờ có giá thì căn cứ vào tình hình thực tế sẽ giao cơ quan có thẩm quyền quản lý…

Theo VTC News

(0) Bình luận
Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ nội dung bí mật Nhà nước