Ngày 8/1, Bộ Giao thông Indonesia cho biết đã tạm đình chỉ hoạt động của 3 chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Lion Air, mặc dù loại máy bay này có cấu tạo khác chiếc máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ) bị bung cửa sổ và hạ cánh khẩn cấp tuần trước.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Giao thông Indonesia, ông Adita Irawati, cho biết toàn bộ 3 chiếc Boeing 737 MAX 9 mà nước này sở hữu đã ngừng hoạt động từ ngày 6/1 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Theo ông Adita, các máy bay của hãng hàng không Lion Air có cửa thoát hiểm khẩn cấp kiểu II ở giữa khoang máy bay, trong khi cửa khẩn cấp trên máy bay của hãng Alska Airlines có chốt cửa.
Ông Adita nêu rõ Bộ Giao thông Indonesia sẽ phối hợp với Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA), hãng chế tạo máy bay Boieng và hãng hàng không Lion Air để theo dõi tình hình, đồng thời khẳng định ưu tiên của bộ là an toàn.
Hiện Lion Air chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Sau sự cố máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines bung cửa sổ và phải hạ cánh khẩn cấp, FAA cho biết đang yêu cầu kiểm tra ngay lập tức toàn bộ các máy bay Boeing 737 MAX 9 trước khi cho phép loại máy bay này hoạt động trở lại. Quá trình kiểm tra sẽ kéo dài từ 4 - 8 giờ đối với mỗi máy bay. Theo FAA, quyết định này là nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ đang điều tra nguyên nhân sự cố. Hồ sơ trực tuyến của FAA cho thấy chiếc Boeing 737-9 MAX nói trên đã được nhận chứng chỉ xuất xưởng cách đây 2 tháng.
Các máy bay 737 MAX của Boeing từng có thời gian phải ngừng bay trên toàn thế giới sau hai vụ tai nạn của máy bay MAX 8 vào các năm 2018 và 2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. FAA chỉ cho phép các máy bay này hoạt động trở lại sau khi Boeing điều chỉnh hệ thống kiểm soát bay.