Indonesia đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sau khi xem xét kỹ những thông tin vaccine này gây ra hiện tượng đông máu ở một số người được tiêm tại châu Âu.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bali, Indonesia
Sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đai học Oxford (Anh) bào chế, Indonesia và Pháp ngày 19.3 quyết định nối lại việc sử dụng vaccine này.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia (BPOM) ngày 19.3 thông báo đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sau khi xem xét kỹ những thông tin vaccine này gây ra hiện tượng đông máu ở một số người được tiêm tại châu Âu.
Tuyên bố của BPOM nêu rõ: “Lợi ích của việc vaccine COVID-19 của AstraZeneca lớn hơn rủi ro, vì vậy có thể bắt đâu sử dụng vaccine này".
Trong khi đó, Chính phủ Pháp cũng dự kiến sẽ nối lại việc tiêm phòng vaccine AstraZeneca trong ngày 19.3. Người phát ngôn của Chính phủ Gabriel Attal khẳng định không có lý do gì để người Pháp từ chối sử dụng loại vaccine này.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Jean Castex sẽ tiêm vaccine AstraZeneca trong ngày 19.3.
Ngày 18.3, Thủ tướng Castex công bố lệnh phong tỏa mới kéo dài một tháng tại Paris và nhiều khu vực khác sau khi công tác tiêm vaccine tạm dừng và một số biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện có khả năng lây lan mạnh hơn.
Theo Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề ngân sách Olivier Dussopt, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 của Pháp sẽ tiêu tốn ngân sách khoảng 3-4 tỷ euro.
Trong bối cảnh một số nước đã tạm dừng tiêm vaccine của AstraZeneca để chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng về các trường hợp đông máu sau khi tiêm, ngày 18.3, EMA khẳng định vaccine của AstraZeneca không gây ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng.
Theo cơ quan này, lợi ích của vaccine trong việc bảo vệ con người khỏi nguy cơ tử vong và nhập viện do bệnh COVID-19 lớn hơn nhiều so với những rủi ro tiềm tàng./.
Theo TTXVN