Indonesia đang tìm cách chuyển đổi quần thể đền Borobudur tại tỉnh Trung Java thành điểm đến du lịch tâm linh, văn hóa và giáo dục đẳng cấp thế giới. Di sản này cũng là 1 trong 5 điểm đến siêu ưu tiên mà Indonesia giới thiệu với du khách quốc tế.
Tại miền Trung Java (Indonesia), lượng khách du lịch hằng năm đến ngôi đền Phật giáo Borobudur là 1,4 triệu người, trong đó khách du lịch nước ngoài đóng góp 10% vào con số này. Với mục tiêu phát triển Borobudur thành điểm đến du lịch văn hóa và tâm linh, Indonesia kỳ vọng số lượng khách du lịch tăng lên gấp 3 - 4 lần, đặc biệt là các tín đồ Phật giáo tại các quốc gia Đông Nam Á.
Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước (SOE) của Indonesia - ông Erick Thohir cho biết Borobudur là di sản thế giới phải được quản lý với tầm nhìn rõ ràng và cam kết mạnh mẽ. Sự phát triển này không chỉ nhằm mục đích du lịch mà còn tạo ra tác động kinh tế cho cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với lượng khách du lịch gia tăng đến Borobudur đã mang lại sự cải thiện cho các doanh nghiệp địa phương và tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo. Theo Bộ trưởng Erick Thohir, đây là kết quả của nỗ lực nhằm tạo ra một hệ sinh thái kinh tế toàn diện. Sự phát triển của khu vực Borobudur cũng bao gồm việc chuyển đổi các bảo tàng thành những trung tâm giáo dục và văn hóa.
Phát triển và bảo tồn hệ sinh thái Borobudur cũng bao gồm Công viên di sản rộng 60,89 ha. Tại Borobudur có một số cụm như Đền thờ tâm linh Borobudur (BSS) và Công viên thực vật & vườn ươm, kết hợp du lịch tâm linh, giáo dục và văn hóa. Chính phủ Indonesia đang tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận cho khách du lịch quốc tế bằng cách mở các tuyến bay thẳng đến Yogyakarta.