Không chỉ là một vùng biển đẹp với không khí trong lành, quận Đồ Sơn còn có nhiều di tích lịch sử, tôn giáo để hình thành tour du lịch tâm linh độc đáo.
Tháp Tường Long toạ lạc trên đỉnh Long Sơn cao 95,2 m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao nhất trong dãy Cửu Long ở bán đảo Đồ Sơn.
Theo một số nghiên cứu, tháp được xây dựng vào năm 1058, đời vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, đây là nơi "tụ sơn tích thuỷ" nên thu giữ được khí thiêng của trời đất. Cùng với tháp Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long, tháp Tường Long là một trong hai công trình Phật giáo kỳ vĩ nhất vào thời vương triều Lý (1010-1225) khi đạo Phật phát triển mạnh và được tôn làm Quốc giáo.
Trải qua hàng nghìn năm, toà tháp cổ chỉ còn lại nền móng hình vuông. Toà tháp hiện tại là phiên bản phỏng dựng có quy mô 9 tầng, hình vuông, cao 37,14 m, khánh thành năm 2017 chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập quận Đồ Sơn.
Đền Bà Đế ở phường Ngọc Hải là ngôi đền nổi tiếng của Hải Phòng thờ bà Đào Thị Hương, vợ chúa Trịnh Giang. Ðền sau này được vua Tự Ðức ban sắc phong "Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân".
Ban đầu, đền có cấu trúc giản dị, nép mình vào lưng núi Độc, trước mặt là biển khơi. Hiện nay đền đã được trùng tu khang trang hơn.
Chùa Hang có tên chữ là Cốc tự, nằm tại khu 1, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là địa điểm đầu tiên của Phật giáo du nhập vào nước ta, trước khi tới vùng Luy Lâu - Dâu, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Hiện tại, trước cửa chùa có một bảng chữ lớn giới thiệu về tích này.
Người xưa tạo dựng chùa từ một hang đá núi cao 3,5 m rộng 7 m chia làm 2 bậc thềm. Bậc thềm ngoài rộng khoảng 23 m2, bậc thềm trong cao hơn khoảng 0,5 m. Vì vậy, lòng hang hình thang, xuyên thẳng vào núi khoảng 25 m.
Chùa có thế lưng ẩn sâu trong núi và mặt hướng ra biển Đồ Sơn. Bên ngoài có tượng Phật Quan Âm, phía phải là nhà thờ tổ, tiếp theo là tòa tháp. Trên núi có tượng rồng phượng, chân núi là tượng rùa thần và cá chép.
Đền Long Sơn nằm ở phường Ngọc Xuyên thờ cô Chín và hệ thống các vị thần trong tín ngưỡng thờ tam phủ, tứ phủ. Cạnh đền có dòng nước trong lành, mát lạnh chảy mãi không ngừng dù có thiên tai, hạn hán, được gọi là suối Rồng. Do vậy, người dân địa phương gọi là đền cô Chín suối Rồng.
Đây là ngôi đền linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến bái lễ vào các ngày đầu tháng, hôm rằm. Đền cũng thường xuyên diễn ra những canh hầu, di sản văn hóa được UNESCO vinh danh.
Gần đền Long Sơn còn có rừng thị cổ với 17 cây thị cổ thụ vừa được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam.
Nằm cạnh đền Long Sơn là Đình Ngọc Xuyên, có từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, thờ Thần điểm tước, vị thủy thần của Đồ Sơn và cũng là thành hoàng chung của toàn bộ vùng đất này.
Đình xưa có 9 nóc, làm bằng gỗ chò chỉ, quế thơm, mái lợp ngói ta, thiết kế theo kiểu cung đình. Năm 1929, đình được xây dựng lại theo kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung theo nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Đình có nội thất rực rỡ, chạm trổ trang trí và sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đình Ngọc Xuyên là địa điểm nhận và tiễn tân binh, nơi họp bí mật của cán bộ. Năm 2007, đình Ngọc Xuyên đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia".
Đền Nghè là công trình văn hóa cổ, nằm trên đường suối Rồng thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.
Đền được xây dựng ở lưng chừng núi, thuộc "hàng tổng" của Đồ Sơn, được người dân vùng biển này coi trọng vì thờ 6 vị thần có công lập nên đất Đồ Sơn. Đền Nghè còn gắn liền với lễ hội chọi trâu truyền thống khi trước và sau lễ hội, đây là nơi nhân dân và các giáp, các phường tập trung về để tế lễ.
Di tích hội tụ đủ cả hai yếu tố vật thể và phi vật thể để trở thành một di sản văn hoá rất có giá trị, xây dựng và tồn tại trong một không gian văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc.
Đền Mẫu Vừng nằm ở phường Hải Sơn trước đây gọi là miếu Vừng. Tương truyền, trước cửa đền xưa là một nhánh sông, có ba khúc gỗ từ biển trôi về, dân làng được báo mộng đã lập ngôi miếu để thờ cúng. Ba khúc gỗ dạt về sau mọc thành cây lộc vừng trước cửa đền. Xóm dân cư gần đền vì thế mang tên xóm Vừng.
Đền Vạn Ngang xưa có tên là Thủy Tiên Am được lập vào năm thái ninh thứ 3 triều Lý bằng tranh tre vách gỗ lợp cỏ tranh Thờ Chư Vị Thánh Tiên.
Thời vua Lê Thần Tông, đền được xây dựng bằng gạch lợp ngói nối kiến trúc hình chữ nhị, có cổng tam quan, đài cửu thiên, bia hạ mã, đặt tên đền là Hoành Sơn Linh Từ. Năm 1886, đền cổ này bị Pháp phá hủy để mở đường xây dựng nhà nghỉ thống sứ Bắc kì. Sau đó nhân dân và nhà thầu xây dựng lại ngôi đền nhỏ, đến năm 1974, ngôi đền nhỏ cũng bị phá.
Trải qua thời gian biến cố thăng trầm của lịch sự, đền Vạn Ngang đã được khôi phục lại vào tháng 3 năm 1991 với thế lưng dựa núi, mặt hướng ra biển.
Tương truyền, nơi đây từng được Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thành lập hội tao đàn (bình thơ).
Đền Nam Hải Thần Vương, thờ một võ tướng nhà Trần hy sinh trong trận chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, nổi tiếng nhất trên đảo Dấu.
Đảo Dấu hay đảo Hòn Dấu, thuộc quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, cách đất liền khoảng 700 m.
Tương truyền, ngày 9 tháng 2 Âm lịch năm 1288, ngư dân đánh cá gần đảo Dấu, phát hiện một thi thể nên đưa lên đảo. Qua trang phục và những gì thu thập được mọi người nhận ra đây là vị võ tướng nhà Trần đã hy sinh và trôi dạt về. Sau đó người dân lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn, thành kính gọi "Lão Thần Đảo".
Vào thời nhà Lê, khi vua Lê kinh lý vùng Đồ Sơn nghỉ đêm trên đảo đã ban cho người võ tướng tước hiệu "Lão Đảo Thần Vương", đến đời vua Tự Đức được phong tước Nam Hải Thần Vương.
Ngoài đền thờ Nam Hải Thần Vương, trên đảo còn có đền - chùa Sơn Lâm, đền Mẫu, đền - chùa Đông Phương và đền - chùa Nam Phương.
Dinh thự Bảo Đại có diện tích 1.000 m2 nằm trong khuôn viên rộng hơn 3.700 m2 trên đỉnh đồi Vung, thuộc khu 2 Đồ Sơn, phường Vạn Hương.
Dinh thự Bảo Đại được Toàn quyền Đông Dương xây dựng năm 1928 ở vị trí đắc địa tại Đồ Sơn để làm nơi nghỉ dưỡng, sau đó tặng lại cho vua Bảo Đại.
Công trình được xây theo hình bát giác, kiến trúc Pháp đặc trưng với hai tầng và một hầm. Móng được kè đá ong. Phía trước và sau dinh thự đều có vườn cây.
Dinh thự này được vua Bảo Đại sử dụng từ năm 1933 đến năm 1954. Năm 1955, Hải Phòng giải phóng, dinh thự Bảo Đại do Bộ Quốc phòng quản lý. Năm 1984, Bộ Quốc phòng bàn giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn.
Ngày 29/9/2020, UBND TP Hải Phòng công nhận Biệt thự Bảo Đại, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn là điểm du lịch. Mỗi năm, dinh thự này đón tiếp khoảng 60.000 lượt khách. Hiện nay, du khách có thể thuê phòng nghỉ, tổ chức tiệc, hội nghị, ăn uống tại nơi vua và hoàng hậu của nhà Nguyễn từng sinh sống.
Bến K15 nằm dưới chân đồi Vạn Hoa, phường Vạn Hương, là dấu mốc lịch sử đánh dấu điểm xuất phát của những con tàu không số huyền thoại.
Trong suốt thời gian kháng chiến, từ bến tàu không số K15 đã có hàng trăm lượt tàu xuất phát, vận chuyển thành công hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị hỗ trợ và hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam để viện trợ chiến trường.
Ngày 18/8/2008, bến tàu K15 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo VnExpress