Hướng đầu tư điện năng lượng sạch có khả thi?

23/12/2018 09:01

Vừa qua, Hải Dương đã tiếp nhận đề xuất của 2 nhà đầu tư về thực hiện dự án nhà máy điện gió và điện năng lượng mặt trời.

Khu vực được lựa chọn đầu tư dự án Nhá máy điện năng lượng mặt trời tại thôn Hoàng Gián, xã Hoàng Tiến (Chí Linh)

Đây là hướng đầu tư mới, lần đầu tiên được các doanh nghiệp đề xuất tại Hải Dương. Dù vậy, việc thực hiện các dự án này còn gặp nhiều khó khăn.

2 dự án được đề xuất

Giữa tháng 11.2018, các chuyên gia kỹ thuật của Nhật Bản đã có buổi làm việc với Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương về các vấn đề liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật của dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Hải Dương. Trước đó, cuối tháng 8.2018, Công ty CP Forchile của Nhật Bản đã đề xuất với tỉnh, xin thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời với công suất 150 MW. Theo đề xuất, dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty CP Thương mại đầu tư quốc tế Phú Sỹ (đơn vị được nhà đầu tư ủy quyền thực hiện dự án) nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn vị trí đầu tư xây dựng dự án tại thị xã Chí Linh. 

Trước đó, vào tháng 7.2018, Công ty TNHH Năng lượng tái sinh Trác Việt (châu Á) của Hồng Kông (Trung Quốc) cũng xin được khảo sát, lắp đặt cột đo gió, bổ sung quy hoạch và triển khai lập dự án Nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh. Nhà đầu tư đề xuất khảo sát 1.000 ha đất để tính toán phương án đầu tư tốt nhất khi thực hiện dự án Nhà máy điện gió JR Hải Dương. Theo đề xuất, doanh nghiệp sẽ đầu tư 33 cột gió và 33 tua bin gió. Tổng công suất của nhà máy là 100 MW. Dự án được triển khai trên diện tích gần 50 ha với tổng vốn đầu trên 4.300 tỷ đồng. 

Đây là lần đầu tiên Hải Dương tiếp nhận những dự án sản xuất điện bằng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Nếu các dự án này được triển khai sẽ góp phần bổ sung nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và điện sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Việc xây dựng các nhà máy điện bằng sức gió, năng lượng mặt trời cũng giúp giảm phát sinh khí thải, góp phần bảo vệ môi trường. Đây được xem là giải pháp công nghệ quan trọng giúp giải quyết các vấn đề về môi trường khi biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường.

Còn nhiều vướng mắc

Hải Dương đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhu cầu sử dụng điện cho phát triển công nghiệp và sinh hoạt ngày càng tăng. Theo quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 đã được Bộ Công thương phê duyệt, đến năm 2020, điện thương phẩm bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh là 3.710 kWh/năm. Con số này tăng lên 5.595 kWh vào năm2025, 8.223 kWh vào năm 2030 và 11.268 kWh vào năm 2035. Trong bối cảnh chung hiện nay, nguồn nguyên liệu truyền thống phục vụ sản xuất điện là than, nước đã được tận dụng triệt để và đang có nguy cơ thiếu hụt. Do đó, việc triển khai các dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời, sức gió là hướng phát triển tất yếu và bền vững. 

Mặc dù đề xuất dự án của các nhà đầu tư có ý nghĩa thiết thực, lâu dài nhưng để dự án triển khai thành công vẫn còn vướng nhiều thủ tục. Bên cạnh yêu cầu dự án phải bảo đảm phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều kiện về đánh giá tác động môi trường, các dự án này còn phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực của trung ương và của tỉnh. 

Theo đại diện Sở Công thương, dự án Nhà máy điện gió nhà đầu tư đề xuất có công suất lớn. Hiện tỉnh chưa lập quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2016-2020, có xét đến năm 2035 nên rất khó đánh giá tiềm năng điện gió cả về mặt kỹ thuật và hiệu quả kinh tế của dự án. Trong khi kinh phí lập quy hoạch điện rất lớn. Nếu UBND tỉnh đồng ý lập quy hoạch phát triển điện gió thì phải được Bộ Công thương phê duyệt, sau đó mới hướng dẫn nhà đầu tư bổ sung quy hoạch và triển khai các bước tiếp theo. 

Theo quy định của Bộ Công thương, các dự án đầu tư nguồn và lưới điện khi chưa được bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực sẽ không được phép triển khai đầu tư. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo tại Thông báo số 174/TB-VPCP ngày 10.5.2018, Bộ Công thương tạm thời dừng thẩm định các dự án điện mặt trời riêng lẻ để xem xét đưa vào đồng bộ trong quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia và chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo đến các chủ đầu tư về những vướng mắc và thủ tục cần thiết nhà đầu tư phải thực hiện trước khi trình thẩm định dự án. Ông Nguyễn Danh Tú, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết với những khó khăn như hiện tại, Công ty TNHH Năng lượng tái sinh Trác Việt đã không còn ý định theo đuổi dự án. Còn đối với dự án điện năng lượng mặt trời, được biết thị xã Chí Linh đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư dự án Nhá máy điện năng lượng mặt trời tại thôn Hoàng Gián, xã Hoàng Tiến và khu vực đồi 91 thuộc phường Bến Tắm (Chí Linh). Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn doanh nghiệp phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị liên quan chủ động, sớm làm việc với Bộ Công thương để được hướng dẫn cụ thể.

Trong tương lai, các ngành chức năng nên nghiên cứu, tham mưu đề xuất với tỉnh về việc lập, bổ sung quy hoạch phát triển điện bằng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vào quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đầu tư điện năng lượng sạch có khả thi?