<b>Thời điểm này, cây vải đang ra đợt lộc cuối cùng, nông dân cần tăng cường chăm sóc để lá vải thuần thục nhanh.</b><br>
Nếu lộc vải ra sau ngày 31.10, cần phải xử lý để không ảnh hưởng tới năng suất. Nông dân có thể xử lý bằng cách phun hóa chất. Sử dụng phân bón lá HPC97 nồng độ tăng gấp đôi khuyến cáo trên bao bì để phun trừ lộc đông. Sử dụng thuốc trừ cỏ Ronstar 25EC pha với nồng độ 20 - 25 ml thuốc/ bình 16 - 18 lít phun để diệt trừ lộc khi lộc mới nhú từ 3-5 cm, phun ướt đều lên tán lá.
Lưu ý: Sử dụng hóa chất xử lý lộc đông phải thực hiện theo đúng hướng dẫn, không tuỳ tiện sử dụng muối, các loại thuốc trừ cỏ và hóa chất khác để diệt lộc đông, sẽ diệt cả tế bào mầm hoa.
Thời điểm này, nông dân cũng cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh hại và có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đối với sâu ăn lá như sâu đo, sâu cuộn tổ hại lộc non nên phun sớm khi lộc mới nhú. Có thể phun nhắc lại lần 2 vì cây vải có hiện tượng không nhú lộc đồng đều. Đối với sâu đục thân cành thì bắt giết trước khi chúng đẻ trứng, diệt trứng hoặc sâu non mới nở. Có thể dùng thuốc Padan bơm vào lỗ đục trên thân cây, thân cành vải rồi bịt vít lỗ đục tiêu diệt sâu. Đối với bệnh sùi cành, dùng vỏ bao rứa xoa nhẹ lên thân cành bị bệnh, sau đó dùng nước vôi loãng quét vào thân cây hoặc dùng dung dịch Boóc - đô 2% để phun phòng.
(Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà)