Vào tháng 12/2020, Tòa án Công lý châu Âu đã ra phán quyết rằng Hungary không tuân thủ các chính sách của khối về cấp quyền bảo vệ quốc tế và trả lại những người di cư bất hợp pháp.
Ngày 13/6, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã yêu cầu Hungary nộp phạt 200 triệu euro (216 triệu USD) vì không tuân thủ các quy định tị nạn của khối và thêm 1 triệu euro/ngày (1,08 triệu USD/ngày) do nộp chậm.
Trước đó, vào tháng 12/2020, tòa đã ra phán quyết rằng Hungary không tuân thủ các chính sách của khối về cấp quyền bảo vệ quốc tế và trả lại những người di cư bất hợp pháp. Ủy ban châu Âu (EC) đã kiện lên tòa nhằm tìm kiếm các biện pháp trừng phạt tài chính.
Tuyên bố của ECJ nêu rõ Hungary đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để tuân thủ phán quyết năm 2020, cố tình tránh áp dụng chính sách chung của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, vi phạm nghiêm trọng luật pháp của khối.
Người phát ngôn của tòa cho biết mức nộp phạt bổ sung 1 triệu euro/ngày sẽ được áp dụng từ ngày 13/6.
Chính phủ Hungary đã áp dụng chính sách cứng rắn đối với người nhập cảnh vào nước này kể từ khi có hơn 1 triệu người di cư đổ về châu Âu vào năm 2015, hầu hết trong số họ chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria.
Hungary đã dựng hàng rào biên giới và tìm cách chặn người di cư. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, Chính phủ Hungary đã thông qua luật buộc những người tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế phải đến Belgrade (thủ đô của Serbia) hoặc Kiev (thủ đô của Ukraine) để xin giấy phép du lịch tại các đại sứ quán ở đó để vào Hungary.
EC đã kiện Hungary ra tòa ECJ về quy định trên, nhấn mạnh rằng nước này đã không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của EU, vốn yêu cầu tất cả các nước thành viên phải áp dụng thủ tục chung về cấp quyền tị nạn.
TB (theo TTXVN)