Việc liên kết sản xuất gắn với xây dựng sản phẩm OCOP đã giúp các HTX tại Kinh Môn giảm được nhiều rủi ro, xây dựng được thương hiệu nông sản sạch.
Nhờ liên kết doanh nghiệp nên dưa lưới của HTX Rau củ quả sạch Long Xuyên không lo đầu ra
Những năm qua, các HTX nông sản sạch ở Kinh Môn đã tìm được hướng đi ít rủi ro, hiệu quả kinh tế cao.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Năm 2017, thấy trồng lúa vất vả, lãi thấp, anh Nguyễn Văn Đỉnh, thành viên HTX Nông sản sạch Hiến Thành quyết định chuyển hướng. Ngoài kinh phí được tỉnh và thị xã hỗ trợ, anh vay mượn thêm gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà màng trồng dưa lưới sạch trên diện tích 3.500 m2. HTX đã liên kết với Công ty CP Nông nghiệp Hải Minh. Theo hợp đồng, công ty sẽ hỗ trợ các hộ dân về cây giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật canh tác. Công ty sẽ thu mua 100% sản lượng dưa lưới từ 30.000-38.000 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 5-10%.
Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, đầu năm 2022, 9 hộ dân ở phường Long Xuyên đã đứng lên thành lập HTX Sản xuất rau củ quả sạch Long Xuyên. Để xây dựng sản phẩm uy tín, chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường, HTX này đã chủ động liên kết với doanh nghiệp. Nhờ đó, các thành viên HTX nắm rất chắc kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới, dưa vàng. Lượng phân bón hoá học sử dụng trong quá trình chăm bón cây trồng đã được hạn chế triệt để. Đến nay, tất cả các thành viên trong HTX đều đã xây dựng nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích trên 13.000 m2.
"Mỗi năm chúng tôi trồng 3 vụ dưa lưới. Nhờ trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên sản lượng dưa luôn đạt từ 8-9 tạ/sào. Hiện dưa lưới đang được doanh nghiệp thu mua từ 32.000-35.000 đồng/kg. Với giá bán này chúng tôi thu lãi từ 10-15 triệu đồng/sào", ông Nguyễn Văn Tròn, thành viên HTX Sản xuất rau củ quả sạch Long Xuyên cho biết.
Xây dựng sản phẩm OCOP
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp canh tác nên thanh long ruột đỏ của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng nhanh chóng tạo được thương hiệu trên thị trường. Năm 2020, sản phẩm này đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao và là sản phẩm tiêu chuẩn chất lượng vàng trong nông nghiệp Việt Nam. Hiện thanh long ruột đỏ của HTX đã được dán tem truy xuất nguồn gốc và có mặt ở nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị, sàn giao dịch điện tử trong nước. Trước đó, năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật cấp 3 mã vùng trồng cho 10 ha thanh long ở thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng xuất khẩu đi Australia, Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, hiện HTX có 60 ha thanh long ruột đỏ sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó gần 12 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thanh long ước đạt 50 tấn/ha, tăng khoảng 2 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện có rất nhiều thương lái đến đặt mua thanh long. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, HTX còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong xã với diện tích khoảng 40 ha. "Chúng tôi đã hoàn thiện thủ tục để đăng ký nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao cho sản phẩm thanh long ruột đỏ", ông Thuấn chia sẻ.
Từ năm 2019 đến tháng 8.2022, thị xã Kinh Môn đã xây dựng được 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao. Nhiều HTX nông sản sạch là chủ thể của các sản phẩm OCOP này. Năm 2022, thị xã tiếp tục có 9 sản phẩm của 6 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó có 2 sản phẩm của HTX Hành, tỏi sạch Kinh Môn và 1 sản phẩm của HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thất Hùng.
Có thể thấy OCOP là cơ hội tốt để các HTX nông sản sạch tại Kinh Môn khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc liên kết sản xuất gắn với xây dựng sản phẩm OCOP không chỉ giúp các HTX tại Kinh Môn giảm được nhiều rủi ro mà còn xây dựng được thương hiệu nông sản sạch. Đây sẽ là tiền đề để các HTX duy trì và mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế tập thể.
Hiện thị xã Kinh Môn đã có trên 60 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình HTX, trong đó có 43 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. "Hầu hết các HTX tại Kinh Môn đều hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cao, nhất là các HTX nông sản sạch. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các HTX có thêm nguồn lực để phát triển đa dạng các sản phẩm. Trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương để tham gia chương trình OCOP", Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.
ĐỖ QUYẾT