2.024 máy bay không người lái có màn trình diễn ánh sáng, xếp hình 9 biểu tượng trên bầu trời Hà Nội, tối 7/2 (28 tháng chạp).
Trong 15 phút tại khu vực Hồ Tây, 2.024 máy bay không người lái (drone) có màn tổng duyệt chuẩn bị cho lễ hội ánh sáng diễn ra trước đêm giao thừa Giáp Thìn.
Thời tiết Hà Nội 15 độ C, mưa phùn, gió mạnh nhưng chương trình tổng duyệt vẫn diễn ra bình thường. An ninh thắt chặt để đảm bảo an toàn, những ngôi nhà xung quanh khu vực này đều phải tắt điện khi chương trình diễn ra.
Trước đó, do thời tiết mưa phùn nên từng chiếc máy bay không người lái được che đậy cẩn thận. Trước thời gian diễn ra 30 phút, từng chiếc được lắp pin, khởi động, cất cánh thử một lần để đảm bảo kỹ thuật. Mỗi chiếc drone có thể bay tối đa 78 phút.
Lực lượng quân đội bám sát các hoạt động bay cả dưới đất và trên không. Những chiếc drone tham gia sự kiện đều được cấp phép bay.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô, chuyển kinh đô nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Từ chỗ dựa vào vùng núi non hiểm trở để phòng thủ chuyển sang giai đoạn phát triển, cơ nghiệp vương triều Lý mở mang và gây dựng nên vị thế của nước Việt tại đất Thăng Long cho đến ngày nay.
Tên gọi Thăng Long (rồng bay lên) gợi tả khí thế mạnh mẽ vươn lên của kinh đô Đại Việt, thể hiện khát vọng hòa bình, đời sống hạnh phúc, tự do của dân tộc Việt Nam. Biểu tượng này chứa đựng ý niệm thiêng liêng trở về cội nguồn rồng tiên và mơ ước mưa thuận gió hòa, an cư, lạc nghiệp, con người và vạn vật đẹp đẽ, tốt tươi.
Hoàng thành Thăng Long ngàn năm rực rỡ.
Hoàng thành Thăng Long là công trình kiến trúc đồ sộ được nhiều vương triều xây dựng trong các thời kỳ lịch sử, gắn liền quá trình phát triển của kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Chùa Trấn Quốc, ngôi cổ tự 1.500 tuổi bên cạnh hồ Tây, được tiền nhân xây dựng và đặt tên với ý nghĩa mong muốn sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho dân tộc Việt Nam.
Hồ Gươm - trái tim Hà Nội.
Nằm giữa lòng Hà Nội, không gian, cảnh vật ở hồ Gươm đẹp như một bức tranh. Cùng với các kiến trúc cổ như Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn..., hồ Gươm không chỉ là điểm đến yêu thích mà còn là nơi gắn kết tình yêu và niềm tự hào của người Hà Nội.
Chùa Một Cột, ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi. Tên chữ là Diên Hựu, có nghĩa là “phúc lành dài lâu”, chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất Việt Nam và châu Á, mang hình dáng của một đóa sen. Đây là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa của Thủ đô.
Khuê Văn Các là công trình kiến trúc đặc sắc nằm trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Công trình biểu tượng cho trí tuệ, truyền thống hiếu học, nơi tôn vinh các tài năng trí thức của dân tộc với ý niệm “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, đào tạo ra nhiều lớp hiền tài cho đất nước.
Cầu Long Biên trải qua nhiều thăng trầm, biến cố trong lịch sử Thủ đô. Qua hơn 100 năm bền bỉ cống hiến, cây cầu đã trở nên gần gũi, thân thiết như tri kỷ với người dân Thủ đô.
Nhà hát hồ Gươm tiếp nối hành trình từ “thành phố vì hòa bình” tới “thành phố sáng tạo”, kế thừa dòng chảy văn hóa, nghệ thuật trong lòng Hà Nội. Nhà hát là công trình nghệ thuật sáng tạo của Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế và tầm nhìn tương lai.
Màn trình diễn kết thúc với dòng chữ "Mừng Đảng – Mừng Xuân - Chúc mừng năm mới", kết hợp hình ảnh cách điệu Khuê Văn Các và rồng bay lên.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết màn trình diễn với những biểu tượng lịch sử từ quá khứ tới hiện tại gửi gắm thông điệp về lòng yêu nước, lời chúc năm mới với niềm tin, khí thế mới.
Đông đảo người dân có mặt tại phố Văn Cao, Nguyễn Đình Thi chăm chú theo dõi màn tổng duyệt lễ hội ánh sáng.
H.A (theo VnE)