Giá các dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt tăng kịch trần theo quy định của Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15.3.2017 của Bộ Y tế.
Đồng chí Trương Văn Hơn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Sáng 10.7, HĐND tỉnh nghe đồng chí Trương Văn Hơn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh đọc tờ trình của UBND tỉnh về việc ban hành quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với những người không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Đây là nội dung được rất nhiều người dân quan tâm vì nếu được các đại biểu HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này, từ ngày 1.8.2017, giá các dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt tăng kịch trần theo quy định của Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15.3.2017 của Bộ Y tế, tác động rất lớn đến những người bệnh không tham gia BHYT.
Có dịch vụ gần 21 triệu đồng/lượtTheo Thông tư số 02, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa đủ năng lực thực hiện 139 dịch vụ khám, chữa bệnh nên UBND tỉnh đề xuất quy định mức giá cho 1.804 dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong đó có 9 dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; 12 dịch vụ ngày giường bệnh điều trị; 1.783 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm.
Tất cả các loại dịch vụ này đều được điều chỉnh tăng khung tối đa. Nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần giá cũ. Đơn cử, tiền khám bệnh, kiểm tra sức khỏe (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện hạng 1 sẽ tăng từ 20.000 đồng/lượt hiện nay lên 39.000 đồng/lượt. Bệnh viện hạng 2 từ 25.000 lên 35.000 đồng/lượt. Bệnh viện hạng ba từ 10.000 lên 31.000 đồng/lượt. Bệnh viện hạng 4 hoặc phòng khám đa khoa khu vực từ 7.000 lên 29.000 đồng/lượt.
Giá dịch vụ ngày giường điều trị cũng tăng gần gấp đôi so với hiện nay, lên 632.200 đồng đối với bệnh viện loại một, 568.900 đồng đối với bệnh viện loại hai. Ngoài ra, một số thủ thuật, phẫu thuật cũng tăng giá khoảng 20 - 30% so với mức hiện hành. Có những dịch vụ có giá rất cao mà người bệnh phải thanh toán 100%. Ví dụ, chụp PET/CT chi phí hơn 20 triệu đồng/lượt; PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng/lượt...
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, thực tế hiện nay cùng một số dịch vụ kỹ thuật y tế trên địa bàn tỉnh nhưng có sự chênh lệch rất lớn về giá thanh toán giữa những người tham gia BHYT và những người không tham gia BHYT, tạo nên sự không bình đẳng giữa những người bệnh. Do đó, việc tăng giá dịch vụ y tế đối với những người không tham gia BHYT là cần thiết, tạo sự công bằng giữa mọi người dân.
Để chia sẻ khó khăn với những người không tham gia BHYT, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, huy động nguồn lực hỗ trợ các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mua BHYT để chăm sóc, bảo vệ sức k hỏe, sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo cân đối nguồn ngân sách phân bổ cho các cơ sở y tế công lập khi thực hiện giá dịch vụ khám chữa mới.
Thêm giường bệnh, không thêm biên chếTờ trình của UBND tỉnh về việc tăng chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh năm 2018 cho các bệnh viện công lập nêu rõ, hiện nay tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân của Hải Dương (tính cả giường bệnh tư nhân, bệnh viện ngành, không tính trạm y tế xã) ở mức 28 giường.
Những năm gần đây, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, công suất sử dụng giường bệnh trung bình trong toàn tỉnh đạt 119%. Để bảo đảm người bệnh không phải nằm ghép, các bệnh viện công lập đã kê thêm 2.058 giường ngoài số giường theo kế hoạch đã giao. Do đó, việc giao thêm 165 chỉ tiêu giường bệnh là cần thiết để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
165 chỉ tiêu giường bệnh được giao cho 5 bệnh viện tuyến tỉnh và 7 bệnh viện tuyến huyện, mỗi bệnh viện từ 10-20 giường. Với 165 chỉ tiêu giường bệnh giao thêm, ngân sách tỉnh chi cho ngành y tế khoảng 2 tỷ đồng/năm (bằng 12% mức chi bình quân theo quy định).
Mặc dù giao thêm 165 chỉ tiêu giường bệnh nhưng các bệnh viện phải tự chủ về nguồn nhân lực, nguồn ngân sách ngoài số tiền được tỉnh hỗ trợ để bảo đảm đáp ứng số chỉ tiêu giường bệnh được giao, không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Nếu được HĐND tỉnh thông qua, việc giao thêm chỉ tiêu giường bệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.
SỸ THẮNG