Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, trí nhớ không còn tốt, nhưng khi hỏi về ký ức hào hùng một thời được tham gia chiến đấu, phục vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những chiến sĩ năm xưa dường như trẻ lại.
Ông Diệm và ông Trấn là những người lính cùng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 năm xưa
Ông Nguyễn Văn Diệm năm nay 84 tuổi, ở khu 8, phường Quang Trung (TP Hải Dương) bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày ấy, ông Diệm ở Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Sợ nhớ không chính xác từng thời điểm, từng dấu mốc quan trọng của lịch sử, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi thỉnh thoảng ông Diệm lại quay sang hỏi người đồng đội cũ là ông Đặng Trọng Trấn, 84 tuổi, ở khu 11, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương), rồi lật giở cuốn sách về chiến dịch Điện Biên Phủ theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong đợt tiến công thứ 3, Đại đoàn 316 khi ấy có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm C1, đồng thời đánh lấn cứ điểm C2 để phối hợp với trận C1, có điều kiện thuận lợi thì phát triển tiêu diệt toàn bộ C2; chuẩn bị đầy đủ để đánh chiếm những lô cốt quan trọng của địch trong đồi A1.
Tối 1.5.1954, đợt tiến công thứ 3 bắt đầu. Khoảng 20 giờ30 cùng ngày, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C1, diệt 114 tên địch, bắt sống 44 tên. Thừa thắng, đại đoàn tiếp tục đẩy mạnh vây lấn và chuẩn bị tiêu diệt cứ điểm C2, củng cố trận địa đã chiếm, sẵn sàng đập tan phản kích của địch. Lúc này, các đơn vị bạn tấn công tiêu diệt các cứ điểm của địch ở tả ngạn sông Nậm Rốm, vị trí 311A, tiêu diệt địch ở phía đông bắc Hồng Cúm… Quân ta nhanh chóng kiểm soát những vị trí quan trọng; hình thành vòng vây địch, tạo các gọng kìm thắt chặt, có nơi chỉ cách sở chỉ huy địch 300 m.
18 giờ ngày 6.5.1954, các đơn vị pháo binh và hỏa tiễn mới được tăng cường của ta tập trung bắn phá dồn dập vào bên trong tập đoàn cứ điểm. Đến 18 giờ 45 cùng ngày, quân ta mở cuộc tiến công vào đồi A1. Đồng thời, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tiến công cứ điểm C2 do Tiểu đoàn 5 dù ngụy, hai đại đội thuộc Tiểu đoàn 6 dù Bắc Phi và một đại đội trợ chiến chiếm giữ. Ta bố trí một đội hình mạnh, thọc sâu vào bên trong trận địa phòng ngự của địch, lực lượng còn lại đánh chi viện. Địch liên tục phản công, cắt đứt đội hình chiến đấu của ta. Với tinh thần chiến đấu anh dũng, lực lượng của ta đã kiên cường chiến đấu suốt đêm 6.5.
Đến sáng 7.5, địch tung lực lượng cơ động ra phản kích hòng đánh bật ta ra khỏi cứ điểm C2. Đúng lúc này, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đã kịp thời dùng hỏa lực bắn vào sườn địch, chi viện kịp thời cho Trung đoàn 98 đập tan cuộc phản kích của địch. Đội dự bị của Trung đoàn 98 tiếp tục tiến vào chiến đấu. Trước sức mạnh tiến công của ta, hơn 600 tên địch đã hạ súng đầu hàng, ta chiếm lĩnh hoàn toàn cứ điểm C2. Tại các cứ điểm khác, lực lượng của ta nhanh chóng đánh chiếm các vị trí quan trọng.
Đến 15 giờ ngày 7.5.1954, quân ta được lệnh mở cuộc tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm. Các đại đoàn từ các phía đông và tây giáp công, đánh thẳng vào sở chỉ huy của địch. Sau hơn 2 giờ chiến đấu ngoan cường, quân ta đã đánh chiếm sở chỉ huy của địch, bắt sống tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm Đờ Cát. “Khi biết ta đã thắng, cả mặt trận vui mừng khôn xiết. Bao vất vả, hy sinh của các anh em đồng đội đã được đền đáp xứng đáng”, ông Trấn nhớ lại cảm xúc ngày chiến thắng. Đôi mắt đã mờ đục của hai cựu chiến sĩ Điện Biên vẫn ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc khi kể lại những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến tranh, người lính luôn chiến đấu ngoan cường. Trở về với cuộc sống đời thường, họ tiếp tục phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Họ đã đem nhiệt huyết, sức lực và trí tuệ, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động phong trào; tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo ban con cháu thi đua xây dựng quê hương. Để kết nối với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, từ năm 1997, Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên của TP Hải Dương đã được thành lập. Đến nay, còn khoảng 80 chiến sĩ Điện Biên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Ông Đặng Trọng Trấn, Trưởng Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên tại TP Hải Dương cho biết: “Chúng tôi vẫn thường xuyên thăm hỏi động viên nhau, tham gia các hoạt động ở địa phương, làm gương cho con cháu. Cụ nào cũng tích cực trong hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi”.
THANH HOA