Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta, trong đó có những người con quê hương Hải Dương đã góp phần làm nên một chiến thắng kỳ tích "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Ông Nguyễn Minh Đệ bên những kỷ vật thời chiến
Mùa đông cuối tháng 12 của 50 năm về trước, Mỹ đã mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã của miền Bắc. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta, trong đó có những người con quê hương Hải Dương đã làm nên một chiến thắng kỳ tích.
Khốc liệt
Đón chúng tôi vào một sáng mùa đông tại ngôi nhà nhỏ trên phố Chương Dương (TP Hải Dương), người lính già năm nay đã ngoài 70 tuổi chỉn chu trong trang phục cựu chiến binh với nhiều huân huy chương cài trên ngực áo. Ông là đại tá Nguyễn Minh Đệ, nguyên cán bộ tuyên huấn thuộc Ban Chính trị, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trong Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, với cương vị là cán bộ chính trị, ông có nhiệm vụ nắm vững tình hình chính trị, tư tưởng và quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị để có kế hoạch động viên, khích lệ, bảo đảm đánh thắng địch, bảo toàn lực lượng, an toàn cho nhân dân.
Ông nhớ nhất đêm thứ 2 của chiến dịch, đêm 19.12, địch ném bom vào Sở Chỉ huy ở xóm Đầm, xã Vân Trì (huyện Đông Anh, Hà Nội) nhưng lại ném lệch vào 2 làng bên cạnh, làm rất nhiều người tử vong. Ngay trong đêm, ông được đơn vị bổ sung, tăng cường lực lượng đi cứu dân tại 2 làng này. “Mặc dù đã từng chứng kiến đồng đội hy sinh nhưng cảnh mất mát nhiều và tang thương đến như vậy thì đó là lần đầu tiên tôi thấy. Điều đó càng làm tăng thêm ý chí và lòng căm thù giặc Mỹ trong tôi và đồng đội”.
Ông Vũ Bá Giảng (ở xã Long Xuyên, Bình Giang), Trung tá, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 469, Sư đoàn 354, Quân khu Thủ đô cũng là một trong những lính Hải Dương trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử đó. Khi đó ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 pháo cao xạ. “Đường phố vắng tanh bởi phụ nữ, trẻ em đi sơ tán các vùng khác. Mỗi khi phát hiện máy bay địch thì còi báo động của thành phố lại kêu thật to để người dân xuống hầm trú ẩn. Máy bay B52 của Mỹ rải thảm bom khiến nhà cửa đổ sập, hàng loạt cây cổ thụ trơ gốc” - ông Giảng nhớ lại.
Ông Vũ Bá Giảng vẫn còn giữ chiếc cặp lồng đựng cơm sử dụng trong Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
"Hoa đào vẫn nở"
Trong 12 ngày đêm, Trung đoàn 261 của ông Đệ đã bắn rơi nhiều máy bay, trong đó có cả máy bay B52, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái. Đặc biệt, trong đêm đầu tiên của chiến dịch, lúc 20 giờ 15, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên. Ông hào hứng kể mỗi lần bắn rơi, nhìn thấy máy bay cháy vui lắm, cả kíp trực anh em cùng nhau hò reo. “Nhìn máy bay B52 cháy, như đống rơm ở trên trời rơi xuống, tất cả đều ôm nhau vui lắm” - ông Đệ kể.
Đây cũng là cảm xúc chung của ông Giảng và những người lính thời bấy giờ. Mặc dù không bắn rơi được B52 nhưng tiểu đoàn của ông Giảng đã hạ gục được một máy bay F4.
"Trước sự thất bại nặng nề trong chiến dịch 12 ngày đêm, đúng 7 giờ sáng 30.12.1972, Tổng thống Mỹ ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định Paris.
Chiến thắng này càng trở nên ý nghĩa khi đất nước chuẩn bị bước sang một mùa xuân mới. “Phấn khởi lắm cháu ạ. Hoa đào ở Nhật Tân nở đầy đường phố, bom Mỹ dội xuống nhưng hoa đào vẫn nở tượng trưng cho sức sống vươn lên sau chiến tranh của mình”, ông Đệ tự hào kể lại.
Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không kết thúc, các ông trở lại đơn vị tiếp tục học tập, phấn đấu, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Sau khi nghỉ hưu trở về quê hương, ông Đệ và ông Giảng vẫn phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, xây dựng gia đình văn hóa...
LINH LINH