Hồi sinh những tục lệ đẹp

17/02/2018 23:03

Cùng với sự phát triển của xã hội, Tết Việt hiện nay đã có nhiều đổi mới nhưng không vì thế mà mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.


Người dân xin chữ ở đền Sượt (TP Hải Dương). Ảnh: TC

Cầu nối quá khứ và hiện tại

Đã từng có thời điểm phong tục xin chữ, cho chữ của dân tộc bị mai một đến nỗi nhà thơ Vũ Đình Liên phải cảm thán thốt lên: “Năm nay đào lại nở/Không thấy ông đồ xưa/Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Dù vậy, dường như mạch ngầm văn hóa ấy vẫn âm thầm chảy trong đời sống dân gian, khi có điều kiện lại trở thành dòng suối mát tiếp tục nuôi dưỡng truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Mấy năm gần đây, tục xin chữ, cho chữ đã trở lại. Tại tỉnh ta, dịp đầu năm việc xin chữ, cho chữ được tổ chức ở nhiều di tích như Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Chu Văn An (Chí Linh), đền thờ Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách)...

Tại Văn miếu Mao Điền, biểu tượng của truyền thống khoa bảng tỉnh Đông, việc xin chữ, cho chữ được tổ chức quy củ. Ngày thường, du khách có thể xin chữ trên ban thánh do Ban Quản lý (BQL) di tích huyện Cẩm Giàng sắp xếp sẵn. Nếu du khách đến tham quan di tích trong 3 tháng đầu xuân thì có thể xin chữ của các thầy đồ đã được BQL chọn lựa. Ông Hà Quang Thành, Trưởng BQL di tích huyện Cẩm Giàng cho biết đến tham quan, xin chữ tại Văn miếu Mao Điền dịp đầu xuân, du khách còn có thể được xem lễ chữ dâng thánh. Đây là một nghi thức cổ được phục dựng từ năm 2011 đến nay tại lễ khai hội Văn miếu Mao Điền ngày 18.2 âm lịch hằng năm. Đội thực hiện nghi thức có từ 36-40 người, mặc trang phục truyền thống, múa quạt theo dòng nhạc Lưu Thủy (nhạc cung đình Huế) và thực hiện bài múa xếp chữ. Người múa di chuyển theo tiếng nhạc, tiếng trống để xếp thành các chữ thay đổi theo chủ đề mỗi năm như “Quốc thái dân an”, “Thiên hạ thái bình, thượng hạ bình chính”... Khi xếp hết các chữ là nghi thức kết thúc. Nghi thức này tượng trưng cho lòng hiếu kính của nhân dân, mong ước đức thánh phù hộ cho nhân dân cuộc sống thái bình, văn hóa phát triển.

Những phong tục, nghi lễ xưa giống như cầu nối quá khứ với hiện tại, để từ đó nét đẹp văn hóa truyền thống không ngừng được bảo tồn và phát huy giá trị trong thời đại mới.

Song hành với nhịp sống hiện đại

Có thời điểm áo dài dần bị thay thế bởi các trang phục hiện đại vì bị gán "mác” rườm rà, vướng víu, sử dụng khó khăn, không phù hợp với nhịp điệu của cuộc sống hiện đại. Những năm gần đây, chiếc áo dài truyền thống đã "trỗi dậy", trở thành một trào lưu mới được lòng phụ nữ Việt nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, áo dài trở thành một trang phục không thể thiếu của nhiều phụ nữ, trẻ em trong dịp Tết cổ truyền.

Dạo qua thị trường trong những ngày giáp Tết này có thể thấy áo dài là một trong những sản phẩm được mua bán nhiều nhất ở các chợ truyền thống, “chợ” online. Những người kỹ tính không hài lòng với những sản phẩm được sản xuất hàng loạt còn tìm đến những địa chỉ may tin tưởng để đặt may áo dài theo đúng số đo của mình. Anh Vũ Việt Tiến, chủ nhà may Việt Tiến ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu đặt may áo dài dịp Tết của người dân lại rộ lên. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch cho đến cuối năm, nhu cầu đặt may áo dài Tết tại tiệm của anh tăng gấp đôi so với những tháng trước đó. Đặc biệt là các tháng 11, 12 âm lịch, nhà may của anh thường xuyên trả khách từ 150-200 bộ áo dài/tháng.

Nhớ không khí vui vẻ, nhộn nhịp, gắn bó của tục đụng lợn xưa nên nhiều gia đình, nhiều xóm cũng đã khôi phục lại tục lệ này. Không chỉ kế thừa truyền thống, phong tục này phát triển trở lại còn do nguồn thực phẩm sạch ngày càng khan hiếm nên nhiều người đã tự tìm thực phẩm bảo đảm chất lượng để dùng chung với anh em, bạn bè. Ông Nguyễn Danh Hòa ở xã Thanh Lang (Thanh Hà) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng đụng lợn cùng với anh em họ hàng hoặc người trong thôn xóm. Từ trong năm các gia đình đã thống nhất với nhau nhà nào nuôi lợn, hay mua lợn sạch ở đâu. Sáng ngày đụng lợn, mỗi nhà cử 1-2 người sang, mỗi người một việc. Mọi người vừa làm vừa trò chuyện rất vui vẻ”.

Ở làng Ngọc Chi, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) người dân còn duy trì tục ăn trầu đầu xuân. Ông Phạm Ngọc Kiến, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Chi hồ hởi kể: "Từ xưa ở quê tôi mỗi dịp Tết đến, xuân về hay gia đình có việc trọng đại như cưới, hỏi... nhà nào cũng có sẵn cơi trầu để mời khách".

Còn cụ Phạm Thị Hiền năm nay đã gần 90 tuổi nói: “Lệ mời trầu thường bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm mới khi các gia đình chúc Tết nhau. Người quê tôi quan niệm mời trầu đầu năm sẽ mang đến may mắn cả năm cho mỗi người bởi nhai trầu mang lại vị nồng đượm và có màu đỏ - màu may mắn. Cả người mời trầu và khách nhận trầu đều hy vọng tình cảm sẽ luôn gắn bó, khăng khít". Hồi trước, cuối năm nhà ai mua vôi về tôi để ra Tết xây nhà là cả làng lại mang bình vôi đến xin vài miếng về tôi, lấy vôi ăn trầu. Nhà nào cũng dành những buồng cau ngon nhất để đến Tết sẽ hạ xuống cất vào gầm giường cho cau tươi lâu để ăn dần. Cứ có khách đến chơi nhà là chủ nhà đều mang trầu cau ra mời. Không chỉ các cụ cao niên, người trung tuổi mà thanh niên trong làng, thậm chí nhiều em nhỏ tuổi 12 - 14 cũng biết ăn trầu.

VIỆT QUỲNH - HÀ VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi sinh những tục lệ đẹp