Giáo dục

Hội phụ huynh ở Pháp: Vừa là đầy tớ vừa là thanh tra

VN (theo Tuổi trẻ cuối tuần) 14/06/2024 10:20

Năm đó chúng tôi có thể được coi là hộ nghèo, lại còn là người nước ngoài nhưng chúng tôi không hề cảm nhận được sự phân biệt nào từ nhà trường hay hội phụ huynh.

Bế giảng mẫu giáo Nhím
Bế giảng mẫu giáo Nhím

Sự tương tác giữa nhà trường và hội phụ huynh ở Pháp phản ánh một hệ thống giáo dục linh hoạt và cân bằng, nơi mà lợi ích của học sinh luôn được đặt lên hàng đầu và các quyết định được đưa ra dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng và các nguyên tắc giáo dục bền vững. Cách đây 15 năm, việc đầu tiên tôi làm khi đưa con gái 4 tuổi sang Pháp là đăng ký trường học cho con. Tại tòa thị chính, tôi được hướng dẫn hoàn thành các giấy tờ cần thiết để cháu vào học thuận lợi.

Tham gia tận tụy

Con tôi khai giảng được khoảng 1, 2 tuần thì mang về một bì thư mà cô giáo dặn là "thư quan trọng". Trong thư nhắc đến hai nội dung: tranh cử vào hội phụ huynh của trường và đóng quỹ xây dựng trường tùy tâm, không có thông tin về mức tối thiểu hay tối đa, không đóng cũng không sao cả.

Số tiền này giáo viên sẽ giao lại cho hội phụ huynh quản lý nhằm lo liệu cho một số hoạt động ngoại khóa của trường như cho các con đi xem phim, thăm bảo tàng hay sở thú. Cuối năm học bao giờ cũng có một chuyến đi xa trong ngày. Quan trọng nhất là chi phí cho lễ tổng kết năm học.

Năm học đầu tiên, tôi thích thú quan sát các hoạt động bên lề của nhà trường. Cứ vài tháng tôi lại thấy hội phụ huynh tổ chức bán bánh sau giờ học. Toàn là bánh do các bà, các mẹ mang tới bán để gây quỹ cho nhà trường.

Năm đó, nhà trường tổ chức cho lớp con tôi một chuyến đi tới sở thú ở một thành phố cách đó hơn 100km. Ngoài khoản tài trợ từ thành phố, phần quỹ đóng góp của phụ huynh thì nhà trường còn thiếu khoảng 200 euro.

Thế là hội phụ huynh, thay vì kêu gọi các ông bố bà mẹ đóng góp thêm (mà tôi thoáng nghĩ, 200 euro chỉ là cái phẩy tay của một vài người) lại tổ chức bán bánh "nhà làm". Hoạt động bán kéo dài cho tới khi gom đủ 200 euro mới thôi. Nhờ vậy chuyến đi đã được tổ chức mà các phụ huynh trong lớp không phải đóng thêm bất kỳ đồng nào.

Lễ tổng kết năm học thì còn kỳ khôi hơn đối với tôi, một người mới từ Việt Nam sang. Sau một vài tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn của các cháu, mọi người đều xả vai. Sân trường đông đúc nhộn nhịp như hội làng.

Đây là quầy bánh mì kẹp xúc xích nướng thơm lừng, kia là quầy nước ngọt và bánh trái, bên này là hàng khoai tây chiên, bên kia có người đang đứng đổ bánh crepe. Năm đó tôi đóng góp một hộp nem cuốn gọi là có chút hương vị Việt Nam cho nhà trường. Các cháu thì thích thú với các trò chơi, nào là câu vịt nhựa, nào là ném bóng, nào là vẽ mặt... chơi xong một trò lại được tự nhặt một món đồ chơi bất kỳ dù cháu có thắng hay thua.

Những món đồ chơi này giản dị, hầu hết đều do hội phụ huynh đi xin tài trợ từ các trung tâm thương mại trong vùng. Đôi khi còn xuất hiện cả những món đồ chơi cũ nhưng chất lượng còn tốt. Những người tham gia trong các hoạt động nướng xúc xích, bán đồ ăn, quản trò chơi đều là phụ huynh trong trường.

Tuy nhiên, các hoạt động ăn uống hay vui chơi đó không miễn phí. Phụ huynh phải mua phiếu, có loại phiếu tương đương 50 cents, có loại tương đương 1 euro, dùng phiếu đó chi trả cho các dịch vụ. Ví dụ, 1 chiếc bánh mì kẹp 1 xúc xích có giá 1,5 euro (giá này là siêu rẻ). Một trò chơi câu vịt có giá 50 cents. Tất cả số tiền thu được đều để trang trải cho chi phí tổ chức lễ tổng kết.

Năm học đầu tiên của con gái tôi trên đất Pháp khiến tôi cảm nhận rất rõ khái niệm "bình đẳng" - tất cả trẻ em đi học ở Pháp đều trả cho nhà ăn một khoản tiền như nhau (8 euro), nhưng cháu nào có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhà nước hỗ trợ, ít nhiều tùy điều kiện mỗi cháu.

Dù có đóng quỹ trường hay không, cháu nào cũng được tham gia mọi hoạt động do nhà trường tổ chức. Không hề có chuyện cả lớp được tới rạp chiếu phim còn phụ huynh nào không đóng quỹ thì cháu đó không được đi.

Năm đó chúng tôi có thể được coi là hộ nghèo, lại còn là người nước ngoài nhưng chúng tôi không hề cảm nhận được sự phân biệt nào từ nhà trường hay hội phụ huynh. Câu chuyện "chiếc đùi gà rán" của em học sinh lớp 1 gần đây khiến tôi bất giác nhớ lại những ngày đầu khốn khó.

Ngày đó, vì băn khoăn với khoản quỹ trường "tùy tâm", tôi lên mạng tìm hiểu xem các phụ huynh Pháp thường đóng bao nhiêu, và tôi chọn đóng theo mức trung bình mà Google đưa ra, 15 euro (bằng giá trị hai bữa ăn tại căng tin trường). Sau này tôi được biết những gia đình có điều kiện có thể đóng tới 200 euro. Nhưng không vì khoản đóng góp ít ỏi mà con tôi hay bất kỳ học sinh nào bị cắt xén quyền lợi mà các cháu được hưởng.

"Quan thanh tra" nhân dân

Ngược lại, làm người giàu ở Pháp, muốn hào phóng với trường cũng không dễ dàng.

Có một mùa hè nhiệt độ lên rất cao, có hôm tới 40 độ C ngoài trời, khiến việc học của các cháu ở trường khá vất vả vì trong lớp học không có cả quạt trần, chứ đừng nói là điều hòa. Cửa sổ thường rất to, cả khung cửa kính hứng nắng. Nhiều trường phải cho các cháu ở nhà tránh nóng.

Một vị phụ huynh hào phóng muốn tặng nhà trường mấy chiếc máy điều hòa lắp ngay cho các cháu nhưng bị từ chối. Vì nếu muốn nhận, nhà trường sẽ phải trải qua một quy trình thủ tục phức tạp kéo dài, có khi hết năm học rồi mà điều hòa vẫn chưa lắp xong. Hội phụ huynh cũng từ chối đứng ra giải quyết vì khoản tài trợ này không xuất phát từ quyết định của hội.

Trong một năm học khác, chúng tôi được biết trường tiểu học của con gái tôi có một học sinh là người nhập cư, vì lý do gì đó mà không thể làm được giấy tờ cư trú, cha mẹ hiện không có việc làm và gia đình cháu hiện không có chỗ ở.

Hội phụ huynh đã xuất hiện như những vị tiên. Họ chủ động lần lượt đón gia đình cháu về để ở tạm, mỗi nhà một tuần thay nhau; đồng thời tác động lên Bộ Nội vụ để giúp gia đình cháu xin được giấy tờ.

Chỉ hai tháng sau, mọi việc đã suôn sẻ trở lại. Gia đình tôi cũng đăng ký nhưng vì chưa đến lượt đón gia đình cháu nên đến bây giờ tôi vẫn không biết người cần giúp đỡ là ai. Mọi thông tin về họ chỉ được thông báo tới những ai liên quan mà thôi.

Ngoài việc đồng hành, hỗ trợ nhà trường để tạo ra một môi trường học tập chất lượng, tốt đẹp, bình đẳng, hội phụ huynh ở Pháp cũng có trách nhiệm giám sát các hoạt động của nhà trường. Nếu cảm thấy an ninh của học sinh hay chất lượng giáo dục của nhà trường có vấn đề, họ lập tức "vào việc" ngay.

Trường Trung học Lycée Paul-Éluard ở Saint-Denis - một khu vực khá phức tạp ở ngoại ô Paris, gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tình trạng an ninh, quản lý và chất lượng giáo dục.

Phụ huynh và học sinh lo ngại về tình trạng bạo lực học đường, thiếu cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy không bảo đảm. Năm 2017, hội phụ huynh đã thu thập các chứng cứ về tình trạng an ninh kém, cơ sở vật chất xuống cấp và chất lượng giáo dục giảm sút.

Sau khi thu thập đủ thông tin và chứng cứ, hội phụ huynh đã gửi đơn yêu cầu thanh tra đến Bộ Giáo dục Pháp. Trong đơn, họ nêu rõ các vấn đề cần được điều tra, yêu cầu sự can thiệp khẩn cấp để bảo đảm an toàn và chất lượng giáo dục cho học sinh. Bộ Giáo dục Pháp đã cử một đoàn thanh tra đến Trường Lycée Paul-Éluard để tiến hành điều tra.

Sau quá trình điều tra, đoàn thanh tra đã đưa ra một báo cáo chi tiết về tình trạng của trường, xác nhận nhiều vấn đề nghiêm trọng và đề xuất các biện pháp khắc phục mà hội đã nêu liên quan tới an ninh trong trường học, cơ sở vật chất, mức độ thiếu hụt giáo viên.

Từ đó, các biện pháp đã được đưa ra để cải thiện tình hình, thậm chí một số thay đổi về quản lý cũng đã được thực hiện để đảm bảo hiệu quả quản lý trường học và giải quyết các vấn đề tồn tại.

Vụ việc tại Trường Trung học Lycée Paul-Éluard là một ví dụ điển hình về sự can thiệp hiệu quả của hội phụ huynh trong cải thiện tình trạng của trường học. Sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và cơ quan thanh tra đã giúp giải quyết các vấn đề nghiêm trọng, đảm bảo môi trường học tập an toàn và chất lượng hơn cho học sinh.

Sau hơn 15 năm sinh sống tại Pháp, với ba đứa con lần lượt đi học ở các cấp, tôi có nhiều cơ hội để quan sát những hoạt động của hội phụ huynh trường các con. Có thể thấy sự tương tác giữa nhà trường và hội phụ huynh ở Pháp phản ánh một hệ thống giáo dục linh hoạt và cân bằng, nơi mà lợi ích của học sinh luôn được đặt lên hàng đầu và các quyết định được đưa ra dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng và các nguyên tắc giáo dục bền vững.

Trong một môi trường xã hội thu nhỏ là trường học, các học sinh đều được đối xử bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, không dựa trên thái độ của phụ huynh đối với trường học, để không cháu nào phải cảm thấy mình là con cừu đen trên đồi.

Tuy nhiên, không phải lúc nào những đòi hỏi của hội phụ huynh cũng đúng đắn và được nhà trường chấp thuận. Năm 2018, Trường Trung học Charlemagne tại Paris đã quyết định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong suốt thời gian học tại trường, bao gồm cả giờ ra chơi và giờ ăn trưa, nhằm giảm sự sao nhãng và tăng cường sự tương tác trực tiếp giữa các học sinh.

Charlemagne là một trường trung học xếp thứ 7 trên bảng xếp hạng toàn quốc và học sinh cần có điểm trung bình từ 16,5-18/20 mới có thể đăng ký nhập học.

Nhiều phụ huynh đã phản đối quyết định này, cho rằng việc cấm hoàn toàn điện thoại di động là không thực tế và gây bất tiện cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Họ lập luận rằng điện thoại di động cần thiết để liên lạc với con cái trong trường hợp khẩn cấp và để quản lý các hoạt động sau giờ học.

Hội phụ huynh gửi đơn khiếu nại đến ban giám hiệu nhà trường và yêu cầu xem xét lại quyết định này. Họ còn tổ chức các cuộc họp và kêu gọi sự ủng hộ từ các phụ huynh khác nhằm gây áp lực lên nhà trường.

Tuy nhiên, Ban giám hiệu Trường Lycée Charlemagne giữ vững quyết định của mình. Họ giải thích rằng quyết định này dựa trên các nghiên cứu và khuyến nghị từ Bộ Giáo dục, cho thấy việc giảm thời gian sử dụng điện thoại di động có thể cải thiện kết quả học tập và sức khỏe tâm lý của học sinh.

Nhà trường cũng cam kết sẽ cung cấp các biện pháp thay thế để đảm bảo học sinh có thể liên lạc với gia đình trong các trường hợp khẩn cấp, như sử dụng điện thoại cố định của trường.

VN (theo Tuổi trẻ cuối tuần)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội phụ huynh ở Pháp: Vừa là đầy tớ vừa là thanh tra