Ngày 17/11, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại JETRO tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh – Nhật Bản năm 2023 với chủ đề: “Đóng góp vào sự phát triển bền vững của hai nước Việt Nam - Nhật Bản”.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, các đồng chí trong Thường trực HĐND, UBND tỉnh; các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; các hiệp hội, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Về phía Nhật Bản có ngài Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật – Việt; ngài Maitachi Shoji, Nghị sĩ Thượng viện, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản; ngài Suzuki Naomichi, Thống đốc tỉnh Hokkaido; ngài Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh – Nhật Bản năm 2023 là sự tiếp nối với bước phát triển mới, cao hơn trong mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa tỉnh Quảng Ninh và các đối tác Nhật Bản vốn đã rất chặt chẽ, sâu rộng. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai bên trao đổi kinh tế - thương mại – đầu tư, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam, Nhật Bản, thiết lập quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng.
Giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trên cả nước được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO đánh giá là tỉnh có lợi thế so sánh nhất Việt Nam hiện nay, là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, lan tỏa giá trị và lợi ích đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân và du khách.
Những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng dịch vụ, du lịch, hạ tầng đô thị. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong 8 năm liên tiếp (2016-2023) đạt 2 con số kể cả trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thu hút FDI lũy kế trên địa bàn tỉnh đạt trên 13,91 tỷ USD với với 172 dự án từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó, có 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2.394 triệu USD chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD, đứng đầu cả nước.
Chính quyền Quảng Ninh luôn chủ động, kiến tạo và đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu... Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập 7 quy hoạch chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 với sự tham gia của những công ty tư vấn hàng đầu của Nhật Bản. Kế thừa thành quả của 7 quy hoạch chiến lược, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra không gian phát triển và nhiều cơ hội thu hút đầu tư mới.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2024 đạt trên 10.000 USD, đến năm 2030 đạt 19.000 - 20.000 USD. Để hoàn thành toàn diện mục tiêu nêu trên, tỉnh Quảng Ninh mong muốn và kỳ vọng tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng nhân dân, chính quyền và các doanh nghiệp Nhật Bản.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và Thống đốc tỉnh Hokkaido đều khẳng định: Mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật đang phát triển hết sức tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và hợp tác nguồn nhân lực. Ngoài các quan hệ mậu dịch giữa 2 nước, hiện có 15.000 người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản trong các lĩnh vực thương mại và nông nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực và đạt được nhiều thành quả như phát triển nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã cũ, cử chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam...
Các địa phương của Nhật Bản cũng tăng cường hợp tác với các địa phương của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Đến nay đã có 12 dự án của Nhật Bản đầu tư tại Quảng Ninh. Hiện tỉnh Hokkaido và tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác, trước mắt là Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long năm 2023. Lễ hội cũng như các sự kiện bên lề lễ hội sẽ là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hokkaido, nhất là trong lĩnh vực du lịch, ẩm thực, nông nghiệp, công nghiệp đến với người dân Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua đây góp phần đưa mối quan hệ giữa 2 tỉnh lên tầm cao mới và phát triển mạnh mẽ, bền chặt.
Tại phiên tọa đàm kết nối đầu tư thương mại Quảng Ninh – Nhật Bản, các chuyên gia, diễn giả của Quảng Ninh và Nhật Bản đã chia sẻ, thông tin hữu ích giới thiệu cụ thể hơn về nhiều tiềm năng của tỉnh Hokkaido, những lợi thế cạnh tranh nổi trội của tỉnh Quảng Ninh trong thu hút đầu tư, kết nối thúc đẩy xúc tiến thương mại và du lịch; chia sẻ về môi trường đầu tư tại Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh dưới góc nhìn của doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời, có nhiều đề xuất nhằm hoàn thiện tiêu chí, chính sách thu hút đầu tư để Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành đối tác tin cậy của Nhật Bản cũng như tỉnh Hokkaido. Các đại biểu của tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những cam kết mạnh mẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, các điều kiện về đầu tư, kinh doanh, thương mại, du lịch tốt nhất cho người dân và các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, kinh doanh và sinh sống tại tỉnh.
Kết luận hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Với quan điểm phát triển phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có; huy động phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm “Nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực ngày càng đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hội nhập sâu với nền kinh tế các nước trong khu vực; sự kết hợp giữa tiềm năng vững chắc của Quảng Ninh và sức mạnh, kinh nghiệm của các nhà đầu tư Nhật Bản tạo nên nền tảng vững chắc cho một hành trình phát triển đầy cơ hội và thành công, Quảng Ninh mong muốn lan tỏa một thông điệp: Hãy cùng nhau viết nên câu chuyện mới, mở ra những cánh cửa rộng lớn cho sự hợp tác và phát triển bền vững.
Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt như: Du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đồng chí nhấn mạnh sự cam kết của tỉnh Quảng Ninh không chỉ là một lời hứa mà còn là tâm huyết và quyết tâm để thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là từ Nhật Bản, vào việc đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với Quảng Ninh. Xác định “Đồng hành, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp” là phương châm hoạt động của các cấp, các ngành, tỉnh Quảng Ninh chân thành mời gọi, sẵn sàng trao đổi, cởi mở; đồng thời hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, các điều kiện về đầu tư, kinh doanh, thương mại, du lịch tốt nhất.
Tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp của các bộ, ban, ngành hai nước Việt Nam và Nhật Bản, của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt để tăng cường kết nối, thúc đẩy thu hút nguồn lực đầu tư, dòng vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh.
Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án FDI Nhật Bản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, gồm Dự án Nhà máy sản xuất cơ khí chính xác Castem Việt Nam, Dự án Parts Seiko Việt Nam, Dự án Nhà máy Tamagawa Việt Nam, Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp Fujix Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 80 triệu USD.
Theo báo Quảng Ninh