Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong nhận định trong chống tiêu cực, Hội nghị Trung ương 4 nhấn mạnh đến suy thoái, đặc biệt là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề trọng tâm của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Điểm mới lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Không trong sáng về tư tưởng thì dễ dùng quyền lực để tham nhũng
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá ba kỳ đại hội từ XI, XII, XIII, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều được đưa lên hàng đầu. Nếu như Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, XII đề cập nhiều đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã mở rộng ra cả hệ thống chính trị.
Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh với một đảng cầm quyền, đảng viên được phân công công tác trong các lĩnh vực của Nhà nước, bao gồm Quốc hội, HĐND, Chính phủ, UBND, cả các tổ chức chính trị xã hội.
Vì thế, xây dựng chỉnh đốn, làm trong sạch đội ngũ cán bộ không chỉ trong Đảng mà trong cả hệ thống chính trị. Tất cả những đồng chí do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đều là những đồng chí mang trọng trách của Đảng phân công trong bộ máy Nhà nước. Trong bộ máy đó, nếu không được tu dưỡng, rèn luyện, giám sát đến nơi, đến chốn dễ dẫn đến vi phạm quy định của Nhà nước, rồi bị xử lý kỷ luật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị là một trong hai điểm mới của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Trước đây, chỉ tập trung nói xây dựng Đảng nhưng Đảng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước xã hội. Vì thế, không có sự vững vàng, trong sáng về chính trị tư tưởng thì rất dễ dùng quyền lực để tham nhũng. Cho nên lần này Đảng nhấn mạnh thêm việc xây dựng Đảng và gắn với xây dựng hệ thống chính trị.
Tại hội nghị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở: “Từng Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.
Ông Bùi Đình Phong phân tích Bác Hồ đã tổng kết: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Trung ương lần này nhắc đến điều này là rất có ý nghĩa. Những đồng chí ở vị trí cao của Đảng, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên của Ban Bí thư nếu trở thành một tấm gương sáng, “nói đi đôi với làm”, “gương mẫu” thì sức lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với đảng viên mà đối với toàn xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo cấp cao nêu gương sẽ dẫn đến một “dây chuyền” cho cán bộ bên dưới nêu gương. Đó là một nguồn lực, động lực thúc đẩy, phát triển đất nước.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII nghiên cứu rất sâu về công tác xây dựng, tổ chức Đảng và chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đánh giá về vai trò, trách nhiệm của đảng viên, thực hiện các nguyên tắc đảng viên không được làm.
Lần này, Tổng Bí thư nhấn mạnh đảng viên phải “nói đi đôi với làm”, gương mẫu chấp hành các nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư nêu rất rõ, trách nhiệm của mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương phải gương mẫu, phải gánh trọng trách là người đứng đầu. Đây là tư tưởng, quan điểm tiếp tục quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta, thể hiện được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Các đồng chí Ủy viên Trung ương phải thể hiện trách nhiệm, tính gương mẫu đi đầu để thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng
Theo Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc, mỗi Hội nghị Trung ương 4 của khóa XI, XII, XIII là một kỳ phát triển, mở rộng, nâng cao phạm vi phòng chống tham nhũng. Đại hội XI, XII đặt vấn đề tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên đến Đại hội XIII không chỉ tham nhũng mà còn mở rộng ra tiêu cực.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tiêu cực là mầm mống ban đầu dẫn đến tham nhũng. Tham nhũng là ngọn, tiêu cực là gốc. Lần này, Trung ương đưa ra vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa, phai nhạt lý tưởng, xa rời đường lối quan điểm của Đảng... Qua ba kỳ đại hội, nội dung phòng chống tham nhũng được mở rộng, hoàn chỉnh hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong nhận định trong chống tiêu cực, Hội nghị Trung ương 4 nhấn mạnh đến suy thoái, đặc biệt là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó là “cái gốc”, là nguồn để đi đến những suy thoái khác, đặc biệt là dẫn đến tham nhũng. “Như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, nó chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn nhưng có thể dẫn tới sự phản bội lại lý tưởng của Đảng, của dân tộc,” ông Phong đánh giá.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, trước kia chỉ tập trung phòng chống tham nhũng nhưng nhiều khi, tham nhũng lại là hệ quả của tiêu cực, thậm chí tiêu cực đẻ ra tham nhũng. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa làm nên tiêu cực, tham nhũng.
Nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. “Lâu nay, chúng ta đã chỉ ra căn bệnh này nhưng chưa nhấn mạnh. Chủ nghĩa cá nhân chính là vụ lợi, thu vén cho cá nhân, lo cho cá nhân, suy nghĩ cho cá nhân, chưa suy nghĩ cho cộng đồng, xã hội. Bác Hồ đã nhấn mạnh, mọi vấn đề đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, làm méo mó suy nghĩ, tư tưởng và hành động. Chỉ ra đúng bệnh, điểm đúng huyệt thì sẽ có phương thuốc chữa cho đúng,” ông Lê Như Tiến chỉ rõ.
Có thể nói, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy tính tiên phong của cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng. Mỗi đảng viên thực sự gương mẫu, đẩy lùi tiêu cực, chống lại các biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” thì nhất định Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của nhân dân.
Theo TTXVN