Thục đã sống mười mấy năm qua theo sự sắp đặt của người khác. Bây giờ Thục phải tự quyết định tương lai của mình. Phải về Việt Nam, về với bố mẹ. Về quê thôi!
Thục đẩy hành lý qua khu kiểm tra an ninh ở sân bay Frankfurt, mặt đờ đẫn như người mất hồn. Không ai đưa tiễn. Chẳng còn gì để lưu luyến với cái xứ sở phù hoa này nữa. Thục đi như chạy trốn. Tay phải cô xách túi nhỏ, đựng mấy đồ lặt vặt. Tay trái sã xuống rã rời. Những vết bầm dập trên cơ thể hễ cố quên đi thì thôi, cứ nhớ đến là nhói lên, đau buốt. Hai quầng mắt thâm sì, Thục nhìn đám đông đi lại trước mắt mà như nhìn vào vô định. Chỉ còn ít phút nữa chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines từ Frankfurt về Hà Nội sẽ cất cánh, đưa Thục trở về quê nhà. Lúc ra đi Thục mười bảy tuổi, đẹp rạng rỡ như nụ hoa còn ngậm hương thơm. Giờ trở về cô đã là người đàn bà trải qua hai đời chồng mà vẫn trắng tay. Nghĩ đến lúc được sà vào lòng mẹ như hồi còn bé, được rúc đầu vào bầu ngực ấm áp của mẹ cho thỏa nỗi nhớ mong và trút bỏ những uất nghẹn đau khổ bấy lâu nay là nước mắt Thục ứa ra. Người cô khẽ rung lên theo tiếng nấc.
Lau vội những giọt nước mắt mặn đắng, Thục bước lên máy bay. Thục tìm đúng chỗ ngồi của mình và thắt dây an toàn. Máy bay chạy trên đường băng rồi từ từ cất cánh. Thục nhắm nghiền mắt lại, cảm giác như mình đang bay bổng giữa không trung. Nhớ lại lần đầu tiên đi máy bay, lúc cất cánh, Thục cũng nhắm mắt như thế này. Ngày ấy cách đây hơn chục năm rồi, Thục bị "trục xuất" khỏi Việt Nam chỉ vì mẹ phát hiện Thục và Việt Anh yêu nhau. Hai đứa học cùng lớp, nhà cùng khu phố nên cứ quấn quýt bên nhau thì cũng chẳng bố mẹ nào nghi ngờ gì cả. Thục thích Việt Anh vì cậu ấy học giỏi, ga lăng, đẹp trai. Hai đứa thư qua thư lại, viết lời yêu thương ngọt ngào để đầy ngăn kéo. Thục có một chìa khóa riêng, luôn khóa chặt ngăn kéo đựng những lá thư tình ngọt ngào đó. Nhưng một lần sơ sảy, Thục để quên chìa khóa trong túi quần. Lúc giặt đồ, mẹ lộn túi nên chìa khóa rơi ra. Tò mò, mẹ mở ngăn kéo và phát hiện bí mật động trời. Mẹ bủn rủn cả chân tay, bốc hỏa lên đầu, cố trấn an mình không được làm ầm ĩ. Mẹ giả vờ như không có chuyện gì xảy ra rồi lặng lẽ theo dõi Thục. Đến bây giờ Thục vẫn không tài nào quên được nụ hôn đầu tiên của Việt Anh đặt lên môi mình ở công viên vào buổi chiều tối hôm ấy. Thục khép bờ mi lại, chưa kịp cảm nhận những ngọt ngào, nồng nàn của mối tình đầu thì Thục thấy mình bị giằng ra. Một cái tát như trời giáng bốp vào mặt. Thục lảo đảo suýt ngã nhào xuống đất. Tiếng mẹ thét lên như sấm rền: “Trời ơi là trời! Đưa nhau đi học thêm thế này hả trời!”. Mẹ lôi Thục xềnh xệch lên xe, rồ ga một mạch về nhà. Dọc đường ba cây số, mẹ câm lặng không nói một lời nào. Toàn bộ sách vở của Thục bị mẹ liệng vào góc bếp. Mẹ lạnh lùng: “Không thích học nữa thì cho một mồi lửa là xong”.
Tối ấy, mẹ kể tội của Thục với bố nhưng bố không đánh Thục, không mắng Thục. Bố yêu cầu Thục viết bản kiểm điểm. Thục đã đoán được điều đó vì bố làm thầy giáo nên phạt nặng nhất cũng chỉ là viết kiểm điểm. Tưởng thế là yên chuyện nhưng tình yêu có những lý lẽ riêng. Thục không tài nào dứt ra khỏi Việt Anh được. Đầu óc luôn đầy ắp những tơ tưởng, nhớ mong. Lúc mẹ phát hiện cơ thể Thục có sự thay đổi, da dẻ xanh xao là khi cái thai trong bụng Thục đã được tám tuần. Mẹ ấn Thục vào nhà vệ sinh: “Lấy nước tiểu của con vào cái cốc này”. Mặt mẹ sa sầm khi cái que thử thai hiện lên hai vạch đỏ chót. Mẹ gầm lên: “Thế này là thế nào? Con ơi là con! Mày giết mẹ đi con ơi”. Thục khóc như mưa. Đầu mụ đi, chỉ biết răm rắp làm theo những gì mẹ sắp đặt. Mẹ lôi Thục đến phòng khám phụ khoa tư nhân. Tỉnh lại, mùi cồn, mùi ê te xộc vào mũi khiến Thục lợm giọng, liên tục nôn khan. Mẹ ngồi lặng bên Thục, nắm chặt bàn tay Thục, vuốt ngực xuôi xuống để Thục qua cơn ói. Gương mặt mẹ trĩu buồn, âu lo. Thục ân hận quá. Tại Thục làm khổ mẹ.
Chưa bao giờ Thục thấy bố mẹ cãi nhau to như thế. Bố giận mẹ tự ý đưa Thục đi “giải quyết”. Tiếng bố vọng lên tầng hai, lọt qua khe cửa vào phòng Thục: “Sao em lại làm cái việc thất đức ấy? Sao không bàn với anh một tiếng”. “Đến nước này còn bàn với bạc cái gì nữa. Thất đức cái gì mà thất đức. Ba cái tuổi ranh đã mang tiếng hư hỏng”. “Tại em đấy, chẳng để ý gì đến con”. “Anh nói hay nhỉ? Anh bảo nó viết bản kiểm điểm rồi thì nó sẽ chừa. Đấy! Anh xem con anh đã chừa chưa? Còn một đứa con gái nữa đấy, anh lo mà dạy bảo, đừng để nó giống chị nó”. “Đáng lẽ phải sang trình bày với nhà thằng kia chứ”. “Trình với bày gì nữa. Hai đứa mới tí tuổi, kết hôn sao được”… Thục lấy hai cái gối ấp vào hai tai, không muốn nghe thêm bất cứ lời tranh cãi nào của bố mẹ nữa.
Thủ tục giấy tờ cho Thục đi du học bên Đức hoàn tất. Dì Lam, em ruột của mẹ Thục đã định cư bên đó cả chục năm rồi nên bảo lãnh cho Thục sang. Mẹ bảo: “Đó là miền đất hứa, bao người mơ ước. Đi đi! Con sẽ đổi đời”. Mẹ đã giằng Thục ra khỏi Việt Anh bằng cách ấy. Chỉ có cách ấy mới giúp Thục quên đi biến cố đầu đời.
Sang Đức, ngoài giờ đi học, Thục phụ dì Lam bán hàng ăn. Vợ chồng dì có một quán chuyên bán đồ ăn Việt nhưng khách Tây vào ăn cũng khá đông. Thục quen Smith, anh chàng kỹ sư người Đức tóc hung, mắt xanh sau vài lần anh ta đến ăn phở. Chú Tom, chồng dì trở thành ông mối vun vào cho Thục và Smith. Dì chặc lưỡi: “Được đấy! Mày đồng ý thì đủ tuổi kết hôn, dì gả chồng luôn. Đây là cơ hội để ở lại xứ này đấy”. Thục đến với Smith bởi những toan tính thực dụng của dì Lam. Hôm sinh nhật Smith, nghe lời dì Lam bày cách: “Mày chẳng còn gì để mất, phải chủ động chứ. Ngày trước dì mà không liều thì cũng chẳng lấy được chú Tom của mày đâu” - vừa nói, dì vừa nháy mắt đầy hàm ý. Thục đã chuốc rượu cho Smith say mèm ngay tại quán ăn của dì rồi hai người dìu nhau vào phòng ngủ. Smith là một người đàn ông tự trọng nên hôm sau tỉnh dậy, thấy Thục không mảnh vải nằm bên cạnh mình thì anh ta rối rít xin lỗi và cầu hôn Thục. Thục bước vào cuộc hôn nhân thứ nhất khi chưa đầy hai mươi tuổi, phải chăm bà mẹ chồng bị tai biến nằm liệt một chỗ. Lúc chưa có Thục thì Smith thuê người nhưng bây giờ Smith không cho Thục đi làm ở quán ăn của dì Lam. Smith ghen dữ dội, ghen đến mức bệnh hoạn nên anh ta không muốn cho Thục đi ra ngoài, không muốn Thục mở rộng thêm các mối quan hệ. Thục phải quanh quẩn ở nhà với những thứ việc không tên. Cuộc sống bí bách, ngột ngạt khi phải ngửa tay xin chồng từng đồng tiền tiêu vặt khiến Thục tự dằn vặt và oán trách bản thân: “Tự dưng chui đầu vào rọ, sống thế này khác gì tù giam lỏng”. Vậy mà ở quê, bố mẹ cứ tưởng Thục sống sung túc, thoải mái lắm.
Một năm. Hai năm. Rồi ba năm. Thục vẫn chưa có tin vui. Thục lặng lẽ đi khám phụ khoa. Bác sĩ kết luận mọi thứ của cô bình thường. Thế thì tại sao Thục vẫn chưa có con? Câu hỏi ấy cứ xoáy trong đầu cô. Mãi sau này, trước khi mất, bà mẹ chồng mới nắm tay Thục thì thào rằng Thục là người phụ nữ tốt, cần được hạnh phúc. Rằng Smith không có khả năng có con. Đấy là điểm yếu nhất mà Smith giấu kín như bí mật. Anh chỉ thú nhận với mẹ khi biết kết quả khám bệnh sau một năm cưới Thục. Thục bàng hoàng, tâm thần bấn loạn, chỉ biết cầu cứu dì Lam. Dì lạnh lùng: “Ly dị đi. Đàn bà không có chồng cũng được nhưng phải có đứa con”. Nghe lời dì, Thục nói thẳng với chồng: “Em muốn có con. Nhưng anh thì không thể. Chính mẹ đã nói cho em biết điều đó”. Bị vạch trần điểm yếu, Smith rũ ra như tàu lá héo. Thục được giải thoát.
*
Máy bay đang ở độ cao hơn mười nghìn mét. Thục ước gì cứ bay bổng trên trời như thế này để quên đi tất cả, để không phải đau thêm một lần nào nữa. Thục rùng mình khi nhớ lại những năm tháng vừa trải qua ở xứ người. Ly hôn Smith, Thục chẳng có gì ngoài một va li quần áo. Thục lại đến cầu cứu dì Lam. Dì phủi tay, giọng tưng tửng: “Mày phải nghĩ thoáng đi, buồn làm gì. Chán trai Tây rồi thì lấy trai Việt. Đầy!”. Thục chẳng nghĩ được như dì bởi hôn nhân không phải là cái áo, thích thì mặc, không thích thì cởi. Dì là người phụ nữ may mắn, lấy được chồng tốt và có hai đứa con ngoan. Còn Thục, Thục chẳng có gì cả. Giờ Thục chỉ biết làm bạn với công việc để nén lại những khao khát âm thầm.
Ba năm lụi cụi ở trong bếp của dì Lam, Thục để dành được một khoản tiền, định về Việt Nam lập nghiệp và làm lại từ đầu thì Đạt xuất hiện. Người đàn ông già dặn, chững chạc ấy bước vào cuộc đời Thục như một làn gió ấm. Đạt có một chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm cho các quán ăn của người Việt. 48 tuổi, một đời vợ, hai đứa con trai. Người đàn ông đó phải lòng Thục sau vài lần anh ta tự tay giao hàng đến quán của dì Lam. Dì vun vào: “Thôi thì rổ rá cạp lại. Tuổi tác quan trọng gì. Già nhưng kinh tế vững”. Dì còn nháy mắt với Thục: “Này! Đại gia đấy. Mày gật đầu đi, sẽ như bà hoàng”. Thục xuôi, nghĩ thầm dù sao mình cũng cần một chỗ dựa.
Cái viễn cảnh sống như bà hoàng mà dì Lam vẽ ra chỉ là trong tưởng tượng. Làm vợ Đạt, Thục chẳng khác nào ô sin cao cấp. Sự chênh lệch tuổi tác khiến cho hai người thường xuyên bị lệch pha, từ chuyện sinh hoạt vợ chồng đến giờ giấc ăn ngủ, sở thích cá nhân. Đạt nóng tính, cục cằn, không vừa ý là quăng quật, giận dỗi, lôi rượu ra uống. Lần nào gần Thục, anh ta cũng dùng biện pháp bảo hộ. Thục căn vặn: “Vì sao anh không muốn có con với em?". Đạt xua tay: “Vì anh vừa uống rượu nặng, sẽ không tốt”. Thục uất ức, nhắm nghiền mắt cho xong. Thục nghĩ cách để lừa chồng. Hôm sau, cô lấy kim chọc thủng tất cả những cái “áo mưa” mà Đạt luôn để ở đầu giường, dưới gối. Nhất định Thục phải có một đứa con.
Nhận được điện thoại của dì Lam với lời cảnh báo: “Chồng mày dạo này hay đi với một mụ sồn sồn người Đức tóc vàng hoe. Cẩn thận đấy, đàn ông ham của lạ”, Thục cười phá lên, tặc lưỡi: “Lão ấy già khú rồi còn ham hố gì nữa. Dì yên tâm”. Thục tự tin vào sắc đẹp và cơ thể vẫn còn thanh tân của mình, lại nghĩ lần nào muốn gần vợ, Đạt cũng phải có men rượu kích thích thì mới có sức thì còn hơi đâu mà ngoại tình. Nhưng Thục đã lầm. Giác quan thứ sáu ở người đàn bà nhạy cảm đã tê liệt cho đến khi tận mắt Thục chứng kiến chồng và cái mụ người Đức kia lăn lộn trên chiếc giường cưới của mình. Mắt Thục vằn đỏ như hai cục lửa. Cô gào lên: “Các người thật khốn nạn”. Cô vớ được chai rượu đã cạn gần đó, cầm cổ chai chĩa thẳng vào hai con người đốn mạt kia. Đạt quấn vội chiếc chăn mỏng lên người, lao vào Thục, giằng chai rượu ra, xô cô ngã xuống nền nhà. Hai người vật lộn một hồi thì chai rượu đập xuống nền gạch men vỡ tan tành, vài mảnh cắm vào hai bàn tay Thục lúc cô ngã chống tay xuống sàn. Nhân lúc hai vợ chồng Thục giằng co, người đàn bà tóc vàng kịp chui người vào cái váy rộng thùng thình, chạy mất hút ra đường gọi taxi.
*
Chợt Thục nhìn xuống hai lòng bàn tay. Những vết sẹo đang lên da non, nhớ đến là đau, là ngứa ngáy. Sau lần bắt quả tang chồng ngoại tình, lại còn bị anh ta đẩy ngã, Thục nghĩ mình chẳng sống thế này được mãi. Thục chủ động viết đơn ly dị. Cái bản hợp đồng hôn nhân lúc này phát huy tác dụng nên Thục ra đi với hai bàn tay trắng. Thục không muốn đến nhà dì Lam cầu cứu nữa. Thục đã sống mười mấy năm qua theo sự sắp đặt của người khác. Bây giờ Thục phải tự quyết định tương lai của mình. Phải về Việt Nam, về với bố mẹ. Về quê thôi!
Máy bay hạ cánh, Thục vội di chuyển đến băng chuyền để nhận hành lý. Nhìn cái băng chuyền chuyển động liên hồi trước mặt, mắt Thục hoa lên. Có lẽ Thục bị đói nên tụt huyết áp. Mấy ngày nay Thục ăn uống thất thường. Đồ ăn trên máy bay cứ đưa gần mũi là cô muốn ói. Đến khi nhận được chiếc va li màu đỏ của mình, Thục lảo đảo rồi ngã sõng soài.
Tỉnh lại, Thục thấy mình nằm trong bệnh viện. Xung quanh trắng toát. Mẹ đã ngồi trước mặt cô từ bao giờ. Giọng mẹ hớn hở:
- Ôi! Con tỉnh lại rồi. Về mà không báo cho bố mẹ một tiếng để bố mẹ ra sân bay đón con - mẹ nói liên hồi - đàn bà con gái đoảng quá! Có thai mà không cẩn thận. May mà con ghi số điện thoại của mẹ trên va li nên nhân viên sân bay gọi cho mẹ.
Thục nhổm người dậy, quàng tay ôm cổ mẹ, giọng vỡ òa, run run:
- Mẹ! Con có thai thật sao?
- Ô! Con không biết gì à? Chết thật - mẹ cô chép miệng, tay vỗ nhẹ lưng con gái - bác sĩ vừa thông báo. Con bị hạ đường huyết. Giờ thì ổn rồi.
Thục buông mẹ ra, nhẹ nhàng ấp hai bàn tay lên bụng mình như nâng niu, gìn giữ báu vật. Cô thầm nghĩ ông trời vẫn còn thương mình, đứa con này sẽ là của riêng cô. Nghĩ đến mầm sống đang tượng hình trong bụng, cô thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh để không thể gục ngã.
Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH