Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

05/04/2011 05:07

Hỏi: UBND các cấp có vai trò như thế nào trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội?

Trả lời: UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản của Chính phủ, của các cơ quan cấp trên về bầu cử đại biểu Quốc hội. Vai trò của UBND các cấp được thể hiện qua những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Uỷ ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh và Ban bầu cử; cử đại diện tham gia Uỷ ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, Ban bầu cử; UBND cấp xã quyết định thành lập Tổ bầu cử;
- UBND cấp tỉnh được mời dự các hội nghị hiệp thương do Uỷ ban MTTQ cùng cấp tổ chức để thoả thuận cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và lập danh sách sơ bộ, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội;
- UBND cấp xã quyết định việc chia khu vực bỏ phiếu, trình UBND cấp trên trực tiếp phê duyệt; lập danh sách cử tri theo khu vực bỏ phiếu; cấp giấy chứng nhận khi cử tri đi nơi khác không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri; bổ sung vào danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;
- UBND cấp xã cùng với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cùng cấp triệu tập và chủ trì Hội nghị cử tri ở xã, phường, thị trấn theo đơn vị thôn xóm, tổ dân phố, buôn, bản, ấp nơi cư trú thường xuyên của người ứng cử để lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị xác minh và trả lời bằng văn bản các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử, người tự ứng cử;
- UBND cấp xã được Tổ bầu cử gửi biên bản kết quả kiểm phiếu; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Ban bầu cử gửi biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, được Uỷ ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh gửi biên bản xác định kết quả bầu cử ở địa phương.
Trong việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, UBND thành phố trực thuộc trung ương sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp quyết định thành lập ở đơn vị bầu cử Ban bầu cử bổ sung; UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập Tổ bầu cử bổ sung ở mỗi khu vực bỏ phiếu.    

Hỏi: Kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?
Trả lời: Kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Kinh phí bầu cử được phân bổ trên cơ sở nguyên tắc chung là dựa theo số cử tri của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời có tính đến đặc điểm và tình hình thực tế của một số địa phương.
Kinh phí bầu cử được chi cho các việc chuẩn bị triển khai, tiến hành và tổng kết bầu cử. Các chi phí này bao gồm in ấn các tài liệu, biểu mẫu, thẻ cử tri, mẫu biên bản, các chi phí về mua sắm hòm phiếu, khắc con dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử, chi phí và bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên phục vụ cho cuộc bầu cử và các khoản chi phí cần thiết khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Việc chi tiêu kinh phí bầu cử phải trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Các phương tiện phục vụ cho các cuộc bầu cử trước đây còn sử dụng được thì tận dụng để phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII lần này.

(Còn nữa)

(Xem từ số báo ra ngày 24-2)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp