Học và làm theo phong cách viết báo Hồ Chí Minh

21/06/2018 00:29

Học và làm theo phong cách của Người giúp những người làm báo phục vụ sự nghiệp cách mạng, nhân dân, Tổ quốc một cách tích cực và hiệu quả.


Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo để phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc

Dù công nghệ thông tin phát triển vượt bậc như hiện nay nhưng những bài học về làm báo của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị. Học và làm theo phong cách của Người giúp những người làm báo phục vụ sự nghiệp cách mạng, nhân dân, Tổ quốc một cách tích cực và hiệu quả. 

Cách đây 93 năm, ngày 21.6.1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác Hồ ra báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đây cũng là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Bác Hồ vừa là Tổng Biên tập, vừa là phóng viên viết bài, vẽ tranh minh họa, biếm họa cho báo, làm công tác phát hành... Trong suốt cuộc đời cách mạng, kể cả khi với cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn thường xuyên viết báo, quan tâm giáo dục, rèn luyện báo chí cách mạng. Người đã để lại một di sản to lớn, vô cùng quý báu với hàng ngàn bài báo ký các bút danh khác nhau, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tác phẩm Đường Kách mệnh viết năm 1926, xuất bản năm 1927, với văn phong mạch lạc, bố cục chặt chẽ, ngắn gọn. Nói về tư cách một người Kách mệnh, Bác viết tự mình phải: Cần kiệm. Hoa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại. Hy sinh. Ít lòng ham muốn vật chất. Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Năm 1947, Bác Hồ viết "Sửa đổi lối làm việc" ký tên XYZ. Về cách phê bình, mục đích phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Khuyết điểm có nhiều thứ, trong đó khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa.

Bài "Dân vận" đăng trên báo Sự thật ngày 15.10.1949, mở đầu bài báo, Bác viết: "Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng trách nhiệm là của dân". Người đặt câu hỏi: "Dân vận là gì? Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân để không sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho". Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11.6.1948, Bác Hồ viết: "Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, giặc nhất định thua".

Những dẫn chứng trên đủ thấy văn phong của Bác Hồ, phong cách viết báo của Người giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn, hàm súc. Bác viết cho quảng đại quần chúng đọc, quần chúng nghe. Người là lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta, dân tộc ta. Người là người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Người viết báo để phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của báo chí và vai trò của những người làm báo, Người chỉ rõ: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Người dạy, trước khi đặt bút viết phải tự vấn: Vì ai mà mình viết. Mục đích viết để làm gì? Để giáo dục, để giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng. Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: Ta, bạn, thù thì viết mới đúng. Cho nên báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng. Mỗi bài báo ngoài những yêu cầu tối thiểu thông thường như tính chân thật, tư tưởng chủ đạo, tuyên truyền, hành động, báo chí còn mang tính phát hiện, dự báo...

Bác Hồ dạy: "Gặp mỗi vấn đề ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử lý vấn đề này kết quả sẽ ra sao? Phải suy nghĩ kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy" (Sửa đổi lối làm việc). Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng. Phong cách viết báo của Bác Hồ là thận trọng, đặt mục đích viết lên trên và luôn nghĩ: Vì ai mình viết, viết cho ai, viết để làm gì? Viết phải giản dị, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát. Nhưng chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chớ nói, chớ viết. Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết. Trong thư gửi lớp học báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, Bác Hồ viết: "Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng". Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962), Bác chỉ rõ: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng". Người căn dặn: "Tất cả những người làm báo phải có lập trường tư tưởng chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được".

Vâng theo lời dạy bảo ân cần của Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc ta - Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách viết báo của Người, 93 năm qua đội ngũ những người làm báo Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh về số lượng, chất lượng. Họ đã phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay những nhà báo đang góp phần tích cực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hơn 800 cơ quan báo, tạp chí với hơn 22.000 nhà báo đang tác nghiệp trên mọi mặt trận báo chí. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã mang lại sự thay đổi lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có sự thay đổi cách thức làm báo đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân. Hơn lúc nào hết, các nhà báo càng thấm nhuần lời dạy bảo ân cần của Bác Hồ kính yêu, nguyện xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.

VŨ HOÀNG LUYẾN

(0) Bình luận
Học và làm theo phong cách viết báo Hồ Chí Minh