Dự kiến, số học sinh thi tuyển vào lớp 10 ở Hải Dương trong 3 năm tới sẽ tăng mạnh. Áp lực chuyển cấp càng cao, đòi hỏi ngành giáo dục sớm có giải pháp bảo đảm nhu cầu học tập của các em.
Những năm gần đây, áp lực thi vào lớp 10 THPT công lập ngày càng cao do số lượng học sinh lớp 9 tăng mạnh. Năm học 2024-2025, số lượng học sinh lớp 9 tương đương năm học 2023-2024 nhưng lại tăng mạnh (hơn 4.000 em) vào năm học 2025-2026.
Đặc biệt, năm học 2026-2027 sẽ có khoảng 42.000 học sinh lớp 9, tăng hơn 12.000 em so với năm học 2024-2025. Đây là lứa học sinh sinh năm 2012, tuổi Nhâm Thìn. Tính từ năm học 2017-2018 đến 2029-2030 thì 2026-2027 là năm học có số lượng học sinh lớp 9 cao nhất.
Theo một số chuyên gia giáo dục tại Hải Dương, số lượng học sinh lớp 9 tăng mạnh do một số huyện, thị xã, thành phố đông dân cư, có khu công nghiệp... kéo theo dân số cơ học tăng cao như huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, TP Hải Dương, TP Chí Linh. Ngoài ra, số lượng học sinh tăng có thể do người dân chọn những năm đẹp như năm 2012 Nhâm Thìn tuổi “rồng vàng” để sinh con.
Trong khi đó, quy mô trường lớp còn hạn chế, nhiều nơi cơ sở vật chất đã xuống cấp, thiếu phòng học. Đặc biệt, chỉ tiêu giao cho các trường THPT công lập, ngoài công lập còn thấp hoặc khó có thể tăng do liên quan đến quy mô trường, lớp, đội ngũ giáo viên và ngân sách chi trả.
Do vậy, ngay từ năm học này, nhiều phụ huynh có con sinh năm 2011, 2012 đã lo lắng. Chị Trần Thị Tâm ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) có con sinh năm 2012 cho biết ngay từ năm học 2024-2025 này sẽ dồn lực, tập trung cho con để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2026-2027.
Tại TP Hải Dương, năm học 2024-2025, các trường THPT và khối giáo dục thường xuyên được giao khoảng 5.700 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Trong khi năm học 2026-2027, TP Hải Dương có khoảng 6.800 học sinh lớp 9, tăng khoảng 1.100 em so với năm học 2024-2025. Nếu không có gì thay đổi về quy mô trường, lớp và chỉ tiêu tuyển sinh thì khoảng 1.100 học sinh lớp 9 năm học 2026-2027 sẽ phải lựa chọn học trường nghề, trường ngoài thành phố hoặc định hướng khác.
Còn tại thị xã Kinh Môn 3 năm tới, số lượng học sinh lớp 9 mỗi năm tăng khoảng 500 em. Năm học 2026-2027 có khoảng 3.880 học sinh lớp 9, tăng 1.150 em so với năm học 2024-2025. Năm học 2024-2025, chỉ tiêu giao cho các trường THPT và khối giáo dục thường xuyên hơn 2.230 học sinh. Nếu giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh và không có thêm trường, lớp mới thì năm học 2026-2027, toàn thị xã Kinh Môn có khoảng 1.600 học sinh lớp 9 sẽ phải theo học các trường nghề hoặc định hướng khác.
Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương cho biết cần thu hút đầu tư phát triển loại hình THPT tư thục ở các địa bàn có đông dân cư, nhiều khu công nghiệp. Có thể nghiên cứu tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT công lập và tư thục. Tuy nhiên, cũng cần quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục của các trường THPT tư thục, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân luồng học sinh sau THCS.
Đồng quan điểm, đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kinh Môn cho rằng các trường tăng quy mô, cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, có thể tăng sĩ số lớp, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 ở cả khối công lập và ngoài công lập cũng như giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, việc phân luồng học sinh sau THCS cần thực hiện có hiệu quả hơn nữa. Các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa cũng như đào tạo nghề, bảo đảm đầu ra để thu hút học sinh lựa chọn theo học.
Thực tế năm học 2024-2025, toàn tỉnh mới có 51% số học sinh tốt nghiệp THCS được vào các trường THPT công lập. Tỷ lệ này thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Tại cuộc họp gần đây nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cũng đề xuất UBND tỉnh cho phép tăng sĩ số lớp 10 là một trong những giải pháp giải quyết vấn đề học sinh lớp 9 tăng mạnh vào những năm học tới.
Năm 2024, Hải Dương có thêm 5 trường THPT được thành lập, có thể tuyển sinh ngay, nâng tổng số trường THPT toàn tỉnh lên 60 trường (41 trường công lập và 19 trường tư thục). Nhiều trường THPT công lập cũng đã và đang được đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mở rộng trường lớp. Đây là một trong những cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp giải quyết vấn đề tăng quy mô học sinh trong thời gian tới.
Năm học 2026-2027, Hải Dương có khoảng 42.000 học sinh lớp 9, tăng 12.000 em so với năm học 2024-2025 nên áp lực tuyển sinh sẽ rất lớn. Tuy nhiên, năm học 2027-2028, con số này lại giảm ngay xuống khoảng 5.000-6.000 em. Do vậy, các phương án cần tính toán kỹ lưỡng. Việc tăng sĩ số lớp và tăng chỉ tiêu tuyển sinh phải trên cơ sở xem xét đề án thành lập, quy mô trường, lớp, đội ngũ giáo viên có đáp ứng được theo quy định hay không, nhất là khối trường THPT tư thục. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau THCS để san tải lượng lớn học sinh theo học các trường nghề. Việc phân luồng hiệu quả sẽ vừa giảm áp lực tuyển sinh vừa tạo nguồn lao động chất lượng cao cho tỉnh.
THẾ ANH