Vì sao không tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập?

26/05/2022 05:51

Năm học 2022-2023, số lượng học sinh chuyển cấp vào THPT ở Hải Dương tăng cao trong khi Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trương không tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập.


Học sinh lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS có thể theo học tại 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Ngoại ngữ, Tin học tỉnh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp


Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có hơn 29.000 học sinh lớp 9 (tăng hơn 4.000 em so với năm học trước), trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023 vẫn giữ nguyên hơn 15.000 học sinh.

Khó tăng chỉ tiêu tuyển sinh

Nhiều năm qua, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trong tỉnh vẫn ổn định. Dự kiến trong những năm học tới vẫn khó có thể tăng.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết việc không tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập do nhiều nguyên nhân. Hải Dương đang hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ bằng Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên được học văn hóa kết hợp dạy sơ cấp nghề, liên kết đào tạo nghề hoặc tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác. Nhưng đến nay, tỷ lệ học sinh được phân luồng sau THCS của tỉnh mới đạt khoảng 10%, trong khi hằng năm vẫn có trên 80% số học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu học tiếp THPT. Vì vậy, việc không tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập nhằm từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu này.

Mặt khác, nếu tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập kéo theo phải tăng biên chế giáo viên, tăng ngân sách. Trong khi từ năm 2015, tỉnh ta thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, ngành giáo dục và đào tạo phải tinh giản 10% số biên chế nên việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập càng khó khăn.

Ngoài ra, Hải Dương đang đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, đa dạng hóa các loại hình giáo dục. Điển hình như TP Hải Dương và huyện Cẩm Giàng đang tích cực khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập để giải bài toán tăng dân số cơ học và tăng sức cạnh tranh với các trường công lập, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Riêng huyện Cẩm Giàng có dân số cơ học tăng cao nhưng chưa có trường THPT ngoài công lập. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt 3 trường THPT công lập ở Cẩm Giàng đang chờ tỉnh phê duyệt tăng khoảng 126 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Ông Đỗ Duy Hưng nhận định nếu xu hướng số học sinh còn tăng chỉ còn cách khuyến khích các trường THPT ngoài công lập phát triển, mở rộng quy mô tại chỗ và thực hiện phân luồng hiệu quả học sinh sau THCS.



Trường THPT Thành Đông (TP Hải Dương) đã sẵn sàng cơ sở vật chất, giáo viên để đón số lượng học sinh lớp 10 tăng từ năm học 2022-2023

14.000 học sinh sẽ học ở đâu?

Toàn tỉnh hiện có 15 trường THPT ngoài công lập, trong đó nhiều nhất ở TP Hải Dương với 6 trường: Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Thành Đông, Sao Đỏ, Ái Quốc và Marie Curie.

Theo ông Đỗ Duy Hưng, để giải quyết số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS năm nay tăng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch để tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THPT ngoài công lập. Theo đó, sở đã thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định cơ sở vật chất và giáo viên của các trường để làm căn cứ giao tăng chỉ tiêu sát với thực tế. Qua kiểm tra, các trường đều sẵn sàng đón học sinh từ năm học 2022-2023.

Trường THPT Thành Đông đang có 6 lớp 10 với 244 học sinh. Trường có thể đáp ứng tối đa 10 lớp 10, tương ứng với khoảng 450 học sinh. Thầy giáo Hoàng Chí Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết đơn vị đang đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tăng tối đa chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho trường. Nguồn giáo viên và cơ sở vật chất các phòng học đã sẵn sàng. 
Tương tự, Trường THPT Lương Thế Vinh đang có 13 lớp 10 với trên 500 học sinh. Trường có thể đáp ứng tối đa 900 học sinh lớp 10, tương ứng với 20 lớp. Theo cô giáo Lê Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị đang đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo tăng thêm 4 lớp 10, tương ứng với khoảng 180 học sinh. Trường đã sẵn sàng cơ sở vật chất phòng học, hợp đồng với giáo viên các trường THPT lân cận.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có giải pháp quản lý chặt đầu vào các trường THPT ngoài công lập. Khác với mọi năm, dự kiến năm học này tất cả học sinh có nhu cầu học tiếp vào các trường THPT ngoài công lập sẽ được cấp tài khoản để đăng ký trực tuyến. Giải pháp trên nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào, sức cạnh tranh giữa trường công lập và ngoài công lập, kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh, hạn chế việc rút hồ sơ khiến các trường bị động, nhất là hạn chế được tiêu cực.

Số lượng học sinh lớp 9 dự kiến xét tốt nghiệp THCS năm nay tăng đột biến khiến nhiều phụ huynh lo lắng con em khó có cơ hội vào các trường THPT công lập, thậm chí cả trường THPT ngoài công lập. Nhưng thực tế, học sinh còn có thể vào học tại 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Ngoại ngữ, Tin học tỉnh. Ngoài ra, học sinh có thể theo học chương trình hệ 9+, vừa học văn hóa vừa học nghề tại 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 9 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp…

Một số ý kiến về tuyển sinh vào lớp 10

Dù thực tế khó có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp, lộ trình để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh cũng như điều kiện của người dân và xu hướng tăng dân số tự nhiên, dân số cơ học.

Khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, dự báo xu hướng

Là người có thâm niên làm công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT, tôi cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không thể một sớm một chiều. Năm nay, học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tăng đột biến nhưng có thể năm tiếp theo sẽ không tăng. Vì vậy, chúng ta cần có đợt khảo sát kỹ lưỡng và kết hợp dự báo xu hướng tăng dân số để có những chiến lược dài hơi hơn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, quy mô trường lớp và nguồn nhân lực. Bởi việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập rất khó triển khai do liên quan đến ngân sách, biên chế giáo viên và cơ sở vật chất, quy mô trường lớp. Theo tôi, chúng ta cần kiên định thực hiện mục tiêu phân luồng sau THCS.

TRẦN TIẾN DÂN
Nguyên Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo)


Để học sinh không bị thiệt thòi

Tôi cho rằng nên nghiên cứu tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập để học sinh không bị thiệt thòi. Khu vực tôi sinh sống có Trường THPT Phúc Thành (công lập) và THPT Quang Thành (tư thục). Nhu cầu theo học Trường THPT Phúc Thành rất lớn, trong khi chỉ có 294 chỉ tiêu vào lớp 10 năm học tới. Hằng năm, trường này thu hút học sinh của 8 xã xung quanh thi vào. Thậm chí, khi có cầu Mây, số lượng lớn học sinh của một số xã lân cận thuộc huyện Kim Thành cũng đến thi tuyển nên sức cạnh tranh khá cao. Vì vậy, không ít học sinh ở địa phương phải thi, xét tuyển và theo học tại các trường THPT công lập ở trung tâm huyện như THPT Kinh Môn, Kinh Môn II, Nhị Chiểu và phải đi học xa.

Thầy giáo NGUYỄN VĂN HÙNG

Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn)


Tự lượng sức mình

Tôi có con gái học lớp 9 Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương). Bản thân cháu và gia đình vẫn muốn cháu theo học THPT. Để phù hợp với lực học của con, tôi đang tìm hiểu một số trường THPT tư thục để đăng ký, trong đó Trường THPT Thành Đông đang là ưu tiên số 1 bởi gần nhà. Hiểu rõ lực học của con nên chúng tôi không gây áp lực cho cháu phải thi vào trường THPT công lập. Dù phải chấp nhận chi phí cao hơn nếu học ở trường tư thục nhưng gia đình sẽ cố gắng.

NGUYỄN THỊ THU

Phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương)


THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao không tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập?